Thứ Tư, 01/05/2024

Thôn Dương Lâm 1, X. Hòa Phong, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng

Liên hệ

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

Tin văn hóa - chính trị

Văn hóa chính trị và vấn đề thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị hiện nay

27/11/2018
Văn hóa chính trị là những giá trị cốt lõi, huyết mạch trong mỗi hệ thống chính trị. Mặc dù có nhiều quan niệm khác nhau về văn hóa chính trị nhưng có thể nhận thức một cách chung nhất là văn hóa chính trị là tổng thể những giá trị được hình thành trong thực tiễn chính trị, thể hiện nhận thức về chính trị, lý tưởng, niềm tin vào chính trị và cách thức tham gia vào đời sống chính trị của các chủ thể theo những chuẩn mực phù hợp với mục tiêu chung của xã hội. Trong phạm vi bài viết này chủ yếu tiếp cận văn hóa chính trị với tư cách là cách thức ứng xử, thái độ của cán bộ, công chức đối với quyền lực được trao để thực thi công vụ được giao.
Văn hóa chính trị là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa nói chung được hun đúc từ những giá trị, truyền thống cốt lõi tốt đẹp của một đất nước, dân tộc, phản ánh thái độ, tình cảm của các chủ thể đối với vận mệnh của quốc gia dân tộc, lòng tự tôn dân tộc và đối với lãnh thổ của đất nước.Văn hóa chính trị Việt Nam là kết tinh của truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh quật cường để bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc, ý chí quyết tâm trong xây dựng đất nước vững mạnh. Trong đó văn hóa chính trị của người lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị có ý nghĩa quan trọng để góp phần vận hành hệ thống chính trị theo những mục tiêu đã đề ra. Nội dung của nó được thể hiện rõ nét ở thái độ, cách thức hành xử của người lãnh đạo, quản lý đối với quyền lực được trao để thực hiện nhiệm vụ. Đối với cán bộ, công chức nếu có thái độ đúng đắn đối với quyền lực nhà nước được giao để thực hiện các mục tiêu chính trị vì lợi ích chung của tập thể, xã hội thì đó là một điều tốt đẹp cho quốc gia, dân tộc. Còn ngược lại, nếu xem quyền lực đó là đặc quyền riêng mà mình được hưởng nên có những ứng xử theo hướng quan liêu, lạm quyền, ích kỷ, vụ lợi cho bản thân hay những người cùng phe cánh, đi ngược lại với lợi ích của quốc gia dân tộc. Đây là những nguy cơ tai hại cho sự tồn vong và phát triển của chế độ chính trị và sự vững mạnh của đất nước. Sử dụng quyền lực chính trị và đặc biệt là quyền lực nhà nước cần phải được thực hiện trên nền tảng văn hóa, đảm bảo tính chân - thiện - mỹ mới có thể đảm bảo tính chính đáng của việc sử dụng quyền lực nhà nước.
Văn hóa chính trị của một tổ chức trong hệ thống chính trị được thể hiện ở việc những thành viên của tổ chức sẽ có thái độ, cách ứng xử như thế nào trong thực thi nhiệm vụ theo chức năng, thẩm quyền để xây dựng và phát triển tổ chức và qua đó góp phần vào sự phát triển chung của xã hội. Như vậy, để có văn hóa chính trị trong tổ chức đòi hỏi mỗi thành viên trong tổ chức cần phải làm gì?
Trước hết, đối với người lãnh đạo, quản lý tổ chức phải là tấm gương định hướng cho việc hình thành văn hóa chính trị trong tổ chức được thể hiện trong những nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, với vị trí, vai trò quan trọng của mình, bản thân người đứng đầu phải xác định rõ trách nhiệm của mình đối với sự phát triển của tổ chức để đề ra những biện pháp quản lý, điều hành hoạt động của tổ chức một cách khoa học, khơi dậy tính tích cực chủ động, sáng tạo trong lao động của nhân viên. Điều này đòi hỏi người đứng đầu phải có một cách nhìn khách quan, toàn diện tránh chủ quan duy ý chí, nắm chắc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước mới có thể đề ra kế hoạch hoạt động cho tổ chức một cách phù hợp.
Thứ hai, người đứng đầu phải có thái độ đúng đắn, công tâm đối với những điều chưa chân - thiện - mỹ trong hoạt động của tổ chức, xác định nguyên nhân của những điều này là xuất phát từ đâu? Có thể xuất phát từ chính uy tín chính trị của mình, từ phương thức điều hành, cách ứng xử với cấp dưới? Hay từ sự lỏng lẻo trong kỷ luật tổ chức do thói quen làm việc “được chăng hay chớ”, không có kế hoạch khoa học hoặc từ việc đánh giá kết quả công việc còn mang tính cào bằng, thiên vị nể nang, mất đoàn kết? … Để từ đó có biện pháp đánh giá nhân sự, khen thưởng, kỷ luật công minh và hình thành kỷ luật lao động trong đơn vị từ hoạt động quản lý điều hành đến hoạt động chuyên môn, thừa hành.
Thứ ba, động cơ trong hoạt động quản lý, điều hành phải trong sáng và vì lợi ích chung của tập thể, không xem quyền lực được trao là cơ hội để thể hiện quyền lực, để lôi kéo tạo phe cánh, để vụ lợi cho bản thân. Nếu không đảm bảo được điều này sẽ dẫn đến cách hành xử không phù hợp với văn hóa chính trị như: trù dập người có ý kiến trái với mình cho dù ý kiến đó là để góp phần xây dựng tập thể, thái độ đố kỵ với người có năng lực hay thiên vị với người cùng phe cánh …
Tóm lại, văn hóa chính trị của người đứng đầu thực chất là những giá trị, chuẩn mực đạo đức trong công việc và thái độ văn hóa đối với quyền lực được trao và trách nhiệm đối với nhiệm vụ cũng như sự phát triển của tổ chức. Những giá trị, chuẩn mực đạo đức này sẽ có tác động, chi phối mạnh mẽ đến tập thể, đến tinh thần và trách nhiệm của từng thành viên đối với nhiệm vụ được giao và đối với nhiệm vụ chung của cả tổ chức. Đồng thời mỗi cán bộ, công chức thừa hành cũng là những chủ thể tạo nên những yếu tố cấu thành trong văn hóa chính trị của tổ chức với những giá trị, chuẩn mực sau:
Thứ nhất, đó chính là thái độ, trách nhiệm của cán bộ, công chức thừa hành đối với công việc được giao để có thể phát huy hết sự năng động, sáng tạo, tích cực để hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất
Thứ hai, đó chính là sự tuân thủ sự chỉ đạo, điều hành của người lãnh đạo, quản lý, thực hiện công tác tham mưu giúp việc có trách nhiệm để giúp lãnh đạo có quyết định đúng đắn phù hợp với mục tiêu phát triển của tổ chức, góp phần bảo vệ uy tín của thủ trưởng, của tập thể.
Thứ ba, có thái độ chân thành, thiện chí, hợp tác, trung thực trong quan hệ với đồng nghiệp, không tư lợi cho cá nhân. Điều này sẽ góp phần quan trọng để tạo một bầu không khí làm việc cởi mở, thân thiện trong tổ chức và hình thành nét văn hóa công sở ở mỗi cơ quan, đơn vị.
Thứ tư, có thái độ, cách hành xử đúng đắn với cái đúng, cái sai. Điều này đòi hỏi mỗi người phải có nhận thức khách quan, khoa học và động cơ trong sáng để biết lên tiếng và ủng hộ cái đúng, phê phán, đấu tranh với cái sai để khắc phục qua đó góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức và hoàn thiện nhân cách của mỗi thành viên trong tổ chức.
Văn hóa chính trị trong hệ thống chính trị nói chung và trong từ tổ chức nói riêng đều có những yêu cầu, chuẩn mực riêng nhưng tựu chung lại vẫn là những giá trị, chuẩn mực cốt lõi thể hiện tính chân – thiện – mỹ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị vì lợi ích chung. Với những giá trị truyền thống, những chuẩn mực tốt đẹp mà thế hệ đi trước đã để lại, hệ thống chính trị Việt Nam cũng như từng tổ chức của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể quần chúng đã cùng toàn thể nhân dân thực hiện thắng lợi các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng đất nước phát triển lên những nấc thang mới tiến bộ hơn về mọi phương diện từ kinh tế đến chính trị, xã hội, ngoại giao… Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng trong quá trình đó vẫn có những biểu hiện suy thoái về văn hóa chính trị với những cảnh báo nguy hiểm đang xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành và địa phương. Đây là những cảnh báo không thể bỏ qua vì sự ảnh hưởng tiêu cực của nó sẽ tác động mạnh mẽ đến sự tồn vong của chế độ, đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Một trong những biểu hiện đầu tiên của sự suy thoái về văn hóa chính trị chính là thiếu vắng thái độ, động cơ đúng đắn trong sử dụng quyền lực được trao mà có vị lãnh đạo địa phương hành xử với dân thô bạo nên đã huy động cả lực lượng quân sự để thực hiện quyết định cưỡng chế. Hay có thái độ thờ ơ trước những yêu cầu, bức xúc của người dân, không giải quyết hoặc giải quyết không triệt để dẫn đến những vụ khiếu nại đông người, vượt cấp. Hay không thể hiện tinh thần trọng dân nên còn thái độ sách nhiễu, xem thường người dân ở một bộ phận cán bộ, công chức. Hay như mang trong đầu tư duy nhiệm kỳ nên việc chỉ đạo, điều hành chưa chú trọng đến lợi ích lâu dài, đến lợi ích chung của đất nước. Ngoài ra, một số vụ việc tham ô, tham nhũng, lạm dụng chức vụ quyền hạn làm thất thoát tiền của nhà nước, của nhân dân với những dự án, công trình siêu khủng nhưng chất lượng thì không đảm bảo hay với những chính sách xa rời cuộc sống, không phù hợp với yêu cầu của thực tiễn … Hiện tượng suy thoái này đã được đánh giá khái quát, đầy đủ trong Nghị quyết số 12-NQ/TW - Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.
Trong Trường Chính trị thành phố Cần Thơ hiện nay nét văn hóa chính trị đã dần được hình thành như:
- Lãnh đạo Trường đã quan tâm và điều hành hoạt động theo kế hoạch, sắp xếp bộ máy nhân sự phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng bộ phận để tạo cơ sở cho việc đánh giá kết quả làm việc theo tiêu chí đã được thống nhất trong tập thể do vậy đã khơi gợi tinh thần trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao.
- Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được thực hiện thường xuyên, tạo thành nếp sinh hoạt trong tập thể các chi bộ đã góp phần tích cực trong việc xây dựng nét văn hóa chính trị trong tổ chức từ lãnh đạo đến nhân viên. Qua đó, mỗi đảng viên nhận thức sâu sắc hơn về những bài học, những chuẩn mực đạo đức mà Bác đã để lại để từ đó nâng cao ý thức trong thực hiện nhiệm vụ và rèn luyện phẩm chất đạo đức theo tấm gương đạo đức của Bác.
- Tính dân chủ trong hoạt động đã được thể hiện rõ nét nhất là mối quan giữa nhà trường và học viên, việc tiếp nhận các thông tin phản ánh, kiến nghị của học viên được thực hiện qua nhiều hình thức khác nhau để tự điều chỉnh trong hoạt động quản lý, giảng dạy hoặc có biện pháp xử lý phù hợp…
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số biểu hiện hạn chế trong hoạt động của Trường hiện nay như:
- Tính khoa học trong hoạt động chưa cao, chưa dự liệu hết các công việc phát sinh nên còn bị động hoặc lúng túng trong việc xử lý.
- Năng lực giảng dạy ở một số ít giảng viên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nên chưa khơi gợi tính chủ động, tích cực trong nắm bắt kiến thức của học viên.
- Trong mối quan hệ giữa cán bộ, công chức, viên chức Trường với học viên còn có những biểu hiện chưa phù hợp, một số học viên có động cơ, thái độ còn sai lệch, mang tính đối phó nên đã xảy ra một số trường hợp học thay, thi thay, chủ quan trong học tập… nên đã ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.
Từ những phân tích trên, thiết nghĩ để có thể tiếp tục hoàn thiện văn hóa chính trị trong hệ thống chính trị nói chung và trong từng tổ chức của hệ thống nói riêng cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất, mỗi cán bộ, công chức, viên chức nhất là người đứng đầu tổ chức cần tiếp tục nghiêm túc thực hiện các giải pháp đã được xác định trong Nghị quyết số 12-NQ/TW - Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay;
Thứ hai, tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cụ thể hóa nội dung học tập gắn với từng vị trí việc làm cụ thể bởi đây chính là giải pháp cốt lõi để thực hiện nhiệm vụ “trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tuỵ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân.” đã được khẳng định trong Nghị quyết số 33-NQ/TW – Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Thứ ba, đảm bảo tính dân chủ trong mọi tổ chức và hoạt động, đồng thời ngăn chặn hiệu quả biểu hiện dân chủ hình thức để đảm bảo lợi ích cũng như điều kiện cho sự phát triển chung của tổ chức;
Thứ tư, xây dựng tiêu chí đánh giá khách quan, công tâm dựa theo kết quả công việc đầu ra phù hợp với từng vị trí việc làm;
Thứ năm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đạo đức làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức;
Thứ sáu, kịp thời phê bình những biểu hiện chưa văn hóa đối với nhiệm vụ, công việc được giao hoặc trong quan hệ giữa các thành viên trong tổ chức.
Để thực hiện các giải pháp trên một cách hiệu quả đòi hỏi từng thành viên trong hệ thống chính trị cần có quyết tâm chính trị để góp phần xây dựng một hệ thống chính trị vững mạnh, vận hành thông suốt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, mục tiêu chính trị trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Trong đó, đội ngũ cán bộ, công chức từ lãnh đạo quản lý đến nhân viên thừa hành là những người cần phải tiên phong trong việc xây dựng văn hóa chính trị ở cơ quan, đơn vị mình để từ đó góp phần thiết lập nền văn hóa chính trị trong cả hệ thống vì đây chính là động lực, là điều kiện mang tính quyết định đối với sự phát triển của chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang hướng tới./.
Bài viết cùng danh mục
Cán bộ Đoàn phải là người tiên phong, sáng tạo và gương mẫu
25/03/2019
Đó là mong muốn của anh Bùi Quang Huy, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam tại buổi tọa đàm “Cán bộ Đoàn nhớ lời Di chúc theo chân Bác” được tổ chức tại Hà Tĩnh.
Dư luận Triều Tiên háo hức với hành trình tới Việt Nam của Chủ tịch Kim Jong-un
26/02/2019
Truyền thông Triều Tiên tiếp tục đưa tin đậm nét về chuyến đi tới Việt Nam của Chủ tịch Kim Jong-un trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Nhạc thanh niên
Thư viện hình ảnh