Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2: Giới chuyên gia, học giả Indonesia đánh giá cao vai trò của Việt Nam
Lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên tại Singapore. Ảnh: National Interest/TTXVN
Ông Beni Sukadis, chuyên gia, Điều phối viên của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược Indonesia (Lesperssi) cho rằng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội là bước đi rất quan trọng để hai nước cùng tìm ra giải pháp hướng đến phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, đem lại hòa bình và ổn định khu vực.
Việc được lựa chọn là nơi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng là cơ hội lớn đối với Việt Nam, khẳng định vai trò, vị trí của Việt Nam đang ngày càng lên cao. Việt Nam hiện có vị trí quan trọng đối với Mỹ ở khu vực, hợp tác kinh tế giữa hai nước đang phát triển nhanh chóng và đây cũng chính là lý do Mỹ chọn Việt Nam. Trong khi đó, đối với Triều Tiên, Việt Nam là quốc gia có quan hệ truyền thống. Đặc biệt, Việt Nam thể hiện vai trò trung lập, giữ mối quan hệ tốt với cả Mỹ và Triều Tiên.
Cũng theo ông Beni, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) luôn thể hiện vai trò trung tâm trong giải quyết các thách thức khu vực và với việc đóng góp vào phát triển mối quan hệ đang tốt lên giữa Mỹ và Triều Tiên, Việt Nam đang đóng góp công sức của mình vì các nhiệm vụ chung của ASEAN. Với vai trò là nước Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các thách thức của khu vực, trong đó có vấn đề hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên.
Chuyên gia này cho rằng nếu Mỹ và Triều Tiên tìm được tiếng nói chung tại hội nghị thượng đỉnh lần hai, dẫn đến Triều Tiên từng bước giải giáp vũ khí hạt nhân và Mỹ xóa bỏ cấm vận, thì đó không chỉ là tin vui đối với quan hệ Mỹ-Triều mà còn đối với tất các các nước trong khu vực cũng như thế giới.
Đồng quan điểm trên, bà Dinna Wisnu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Quan hệ quốc tế và Kinh tế chính trị, Đại học Bina Nusantara và Đại học Quốc gia Indonesia, nhấn mạnh việc thủ đô Hà Nội của Việt Nam được lựa chọn là địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2 là phù hợp, thuận lợi đối với cả hai quốc gia.
Đề cập đến việc Việt Nam sẽ giữ cương vị Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, bà Dinna đánh giá ASEAN đang phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh ở khu vực cũng như giữ vững nhịp độ phát triển kinh tế và Việt Nam cũng đang rất quan tâm đến những vấn đề này, đặc biệt là tốc độ phát triển kinh tế. Theo bà, với vai trò là Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, Việt Nam cần tìm cách cân bằng và giải quyết những thách thức, tích cực hợp tác với các thành viên của khối, đặc biệt là Indonesia, để không chỉ duy trì được tốc độ phát triển kinh tế mà còn giải quyết đến những thách thức an ninh, ổn định của khu vực.
Bà Dinna cho rằng Triều Tiên đang có những động thái tích cực trong việc hướng đến phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và mong muốn đàm phán, thông qua con đường ngoại giao để giải quyết vấn đề, bước đầu mang đến những tín hiệu tích cực, góp phần đem lại hòa bình, ổn định ở Đông Bắc Á cũng như toàn khu vực. Việc Triều Tiên trong tương lai liệu có thể là đối tác của ASEAN hay không thì vẫn còn nhiều thời gian để trả lời, nhưng có thể khẳng định việc nước này tích cực đối thoại, mở rộng với thế giới bên ngoài đã là điều tích cực, giúp Triều Tiên có cơ hội phát triển thịnh vượng trong tương lai.
Đỗ Quyên – Trần Chiến (TTXVN)