Thứ Năm, 21/11/2024

Thôn Dương Lâm 1, X. Hòa Phong, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng

Liên hệ

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

Thư viện tài liệu

TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 10/2019

07/10/2019

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG,

ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

ĐÃ NHẬN BIẾT SAI LẦM PHẢI RA SỨC SỬA CHỮA

Trong “Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, Bác Hồ chỉ rõ: Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Những hiện tượng tiêu cực trong cán bộ, đảng viên mà Bác đã chỉ ra cách đây hơn 70 năm vẫn còn nguyên tính thời sự.               

Tháng 10/1945, ngay sau khi giành được độc lập, tuy phải dồn tâm sức lãnh đạo Nhà nước công nông còn non trẻ, đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng trước những biểu hiện tiêu cực xuất hiện trong một số cán bộ, đảng viên, Bác Hồ đã viết “Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”. Sau khi khẳng định nhờ lãnh đạo khôn khéo mà chúng ta đã bẻ gãy xiềng xích nộ lệ, giành được độc lập tự do, thiết lập mối quan hệ mật thiết giữa Chính phủ với Nhân dân và những việc cần kíp phải làm để cho dân được hưởng hạnh phúc, tự do, Bác viết: Tất cả phải hiểu rằng các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là đầy tớ của dân, nghĩa là để giành việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân,… và: Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh.

Sau đó Bác đã chỉ ra những lỗi lầm chính ở một số người. Đó là: Trái phép: những tên việt gian phản quốc chứng cớ rõ ràng thì phải trị đã đành, không ai trách được. Nhưng cũng có lúc vì tư thù, tư oán mà bắt bớ, tịch thu gia sản, làm dân oán thán. Cậy thế: cậy mình ở trong ban này, ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao làm vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân, quên rằng dân bầu mình ra để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân. Hủ hóa: ăn uống cho ngon, mặc muốn cho đẹp, ngày càng xa xỉ, ngày càng lãng mạn, thậm chí lấy của công làm việc tư, quên cả thanh liêm đạo đức. Tư túng: kéo bè, kéo cánh, bà con, bạn hữu mình không tài năng gì cũng chức này, chức nọ. Người có tài có đức nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Chia rẽ: bênh vực lớp này, chống lại lớp khác, không biết làm cho các tầng lớp Nhân dân hòa thuận với nhau, không chia già trẻ, giàu nghèo để giữ nền độc lập, chống kẻ thù chung. Kiêu ngạo: tưởng mình ở cơ quan của Chính phủ là thần thánh rồi, coi khinh nhân dân, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mệnh” lên. Bác chỉ rõ: Ai đã phạm những sai lầm trên phải hết sức sửa chữa, nếu không tự sửa chữa Chính phủ sẽ không khoan dung.

Ngày 01/3/1947, Bác Hồ viết tiếp lá thư “Gởi các đồng chí Bắc bộ”. Lần này, Bác nói sát thực hơn, kiên quyết hơn. Bác nhấn mạnh: Chúng ta phải kiên quyết tẩy sạch những khuyết điểm sau đây: Địa phương chủ nghĩa: chỉ chăm chú lợi ích của địa phương mình mà không nhìn đến lợi ích của toàn bộ. Làm việc ở bộ phận nào chỉ biết bênh vực, vun đắp cho bộ phận ấy. Óc bè phái: ai hẩuvới mình thì dù nói không đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng. Ai không hẩu với mình thì dù có tài cũng dìm họ xuống, họ phải mấy cũng không nghe. Óc quân phiện, quan liêu: khi phụ trách ở một vùng nào thì như một ông vua con ở vùng đấy, tha hồ hách dịch, hoạnh hẹo. Đối với cấp trên thì xem thường, đối với cấp dưới thì cậy quyền lấn át. Đối với quần chúng ra vẽ quan cách làm cho quần chúng sợ hãi. Óc hẹp hòi: tư tưởng hẹp hòi, thì hành động cũng hẹp hòi, nhiều thù ít bạn. Người mà hẹp hòi thì ít kẻ giúp. Đoàn thể mà hẹp hòi không thể phát triển. Ham chuộng hình thức: việc gì cũng không xét đến kết quả thiết thực, cần kíp, chỉ nhằm về hình thức bề ngoài, chỉ muốn phô trương cho oai. Làm việc lối bàn giấy: thích làm việc bằng giấy tờ thật nhiều. Ngồi một nơi chỉ tay 5 ngón không chịu xuống địa phương kiểm tra công việc và để chỉ vạch những kế hoạch thi hành chỉ thị, nghị quyết cấp trên gởi xuống các địa phương có thực hiện được hay không, các đồng chí cũng không biết đến. Vô kỷ luật- kỷ luật không nghiêm: việc nào dể hay ưa thích thì làm, việc nào khó khăn, không ưa thích thì bỏ. Các đồng chí phạm lỗi, nhưng không bị trừng phạt xứng đáng, có đồng chí bị hạ tầng công tác nơi này, đi nơi khác lại ở nguyên cấp. Có đồng chí đáng phải trừng phạt, nhưng vì cảm tình nể nang chỉ phê bình cảnh cáo qua loa cho xong chuyện. Thậm chí còn có nơi che đậy cho nhau, tha thứ lẫn nhau, lừa dối cấp trên, giấu giếm đoàn thể. Nếu kỷ luật của đoàn thể lỏng lẻo, những phần tử phản động sẽ có cơ hội chui vào hàng ngũ ta để phá hoại đoàn thể ta. Ích kỷ- hủ hóa: giữ óc địa vị, cố tranh cho được ủy viên này, chủ tịch kia. Có những  đồng chí lo ăn ngon, mặc đẹp, lo chiếm của công làm của tư, lợi dụng địa vị và công tác của mình mà buôn bán phát tài, lo việc riêng hơn lo việc công. Có những đồng chí hay có tính kiêu ngạo, tự mãn. Có đồng chí còn giữ thói “một người làm quan cả họ được nhờ”, đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này, việc kia, làm được hay không mặc kệ. Hỏng việc đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được. Bác kết luận: phải kiên quyết khắc phục những khuyết điểm trên thì chúng ta mới đi đến hoàn toàn thắng lợi.

Hiện nay, chúng ta đang kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong đó Trung ương chỉ rõ 27 biểu hiện cụ thể của suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng - chính trị, đạo đức - lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Dịp này, đọc lại những điều chỉ dẫn, soi tấm gương mẫu mực của Bác Hồ về chống các biểu hiện tiêu cực trong cán bộ, đảng viên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Với tinh thần “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa”, thiết nghĩ, mỗi chúng ta, hàng ngày suy ngẫm làm theo tấm gương mẫu mực của Bác là cách tốt nhất để mỗi chúng ta tự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, trở thành người cán bộ, đảng viên thật sự vì nước, vì dân.

Nguồn: http://www.xaydungdang.org.vn/

THEO DÒNG LỊCH SỬ - NGÀY NÀY NĂM ẤY

- 01/10/1991: Kỷ niệm Ngày Quốc tế Người Cao tuổi.

- 10/10/1954: Kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ Đô.

- 13/10/1945:Kỷ niệmNgày thành lập Doanh nhân Việt Nam.

- 14/10/1930: Kỷ niệm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam.

- 15/10/1956: Kỷ niệm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

- 15/10/1930: Kỷ niệm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng.

- 20/10/1930: Kỷ niệm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

10/10/1954: Kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ Đô.

Vào ngày 10.10.1954, thủ đô Hà Nội chính thức được hoàn toàn giải phóng. Cùng tìm hiểu những trận đánh hào hùng đã đi vào lịch sử trong ngày giải phóng Thủ Đô.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ về đình chiến ở Đông Dương được ký kết. Qua nhiều ngày đấu tranh sôi nổi, các hiệp định về việc chuyển giao Hà Nội được ký kết ngày 30/9/1954 và ngày 2/10/1954 tại Ủy ban Liên hợp đình chiến Trung ương. Sau đó, Chính phủ đã phái các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội để chuẩn bị việc tiếp quản thành phố.
Theo nghị quyết ngày 17/9/1954 của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban quân chính thành phố Hà Nội được thành lập do thiếu tướng Vương Thừa Vũ, tư lệnh sư đoàn Quân Tiên phong làm Chủ tịch và bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch.Ủy ban quân chính có nhiệm vụ tiếp thu và quản lý thành phố. Bộ Tư lệnh đã ra lệnh cho các đơn vị vào tiếp quản Hà Nội phải triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật của Chính phủ đề ra, phải luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại.

Sư đoàn Quân Tiên phong đã được Trung ương Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp quản Hà Nội.Theo kế hoạch đã định, sáng 8/10/1954 các đơn vị quân đội chia nhiều đường tiến vào ngoại thành Hà Nội.Đến 16 giờ 30 thì tiến đến đường đê La Thành, Vĩnh Tuy, Bạch Mai, Ngã Tư Sở, Ô Cầu Giấy và Nhật Tân.6 giờ sáng ngày 9/10/1954, quân đội lại theo nhiều đường từ ngoại thành tiến vào nội thành chia làm nhiều cánh quân tiến vào 5 cửa ô chính rồi từ đó tỏa đi các nơi.

Lần lượt bộ đội ta tiếp thu nhà Ga, phủ Toàn quyền, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, phủ Thống sứ. 16 giờ, quân đội Liên hiệp Pháp rời khỏi thành phố, lặng lẽ rút sang phía Bắc cầu Long Biên. 16giờ30, quân đội ta hoàn toàn kiểm soát thành phố Hà Nội, tiếp thu thành phố gọn gàng và trật tự.Bộ đội ta tiến đến đâu, nhân dân ta đổ ra hai bên đường, phất cờ tung hoa, reo mừng không ngớt. Cổng chào, khẩu hiệu dựng lên khắp các đường phố, cờ đỏ sao vàng rực rỡ trên khắp các tầng nhà.

Các mốc son lịch sử trong ngày giải phong thủ đô 10/10/1954


5 giờ

Nhân dân thủ đô quần áo chỉnh tề mang cờ, ảnh Bác Hồ, những bó hoa tươi thắm, thành đội ngũ trật tự theo từng công sở, xí nghiệp, trường học, khu phố..., kéo tới những con đường đã được thông báo trước là bộ đội hành quân qua.

Đoàn xe đầu tiên do thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính và bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính dẫn đầu đi qua phố Hàng Đường, Hàng Đào và trung tâm thành phố.

8 giờ

Cánh quân phía Tây xuất phát từ Quần Ngựa. Đó là những chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô. Các chiến sĩ diễu binh qua Kim Mã, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang…, đến 9 giờ 45 tiến vào Cửa Đông thành Hà Nội.

 8 giờ 45

Cánh quân phía Nam xuất phát từ Việt Nam học xá tiến qua Bạch Mai, phố Huế, vòng quanh hồ Gươm rồi vòng lại chiếm lĩnh toàn bộ khu vực Đồn Thủy và Đấu Xảo.

9 giờ 30

Đoàn cơ giới và pháo binh xuất phát từ Bạch Mai, qua phố Bạch Mai, phố Huế, 10 giờ 5 đến Bờ Hồ, qua Hàng Đào, Hàng Ngang, chợ Đồng Xuân, rẽ sang đường Cửa Bắc tiến vào thành lúc 10 giờ 45.

15 giờ

Còi Nhà hát Lớn thành phố nổi lên một hồi dài. Mấy chục vạn nhân dân Hà Nội đã trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ với sự tham gia của các đơn vị quân đội. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng.

Ngày 10/10/1954, Hà Nội sạch bóng quân thù, hân hoan đón mừng những người con chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô. Sự kiện đó đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa cực kì to lớn, mở ra một thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ở thời đại Hồ Chí Minh quang vinh. Thủ đô ta hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân; nhân dân lao động vĩnh viễn xóa bỏ mọi chế độ áp bức, bóc lột, đứng lên làm chủ vận mệnh của mình và phấn khởi đi vào xây dựng xã hội mới, mở đầu sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta. Đảng và Nhà nước ta đã ba lần tặng thưởng cho Thủ đô Hà Nội Huân chương Sao Vàng vào các năm 1994, 2004, 2010 và danh hiệu thành phố Anh hùng vào năm 2000.

Nguồn: http://lichvansu.wap.vn/

15/10/1956: Kỷ niệm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam

Trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng, phấn đấu trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Đảng, với vai trò nòng cốt chính trị của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam ngày càng xứng đáng là tổ chức xã hội rộng rãi của thanh niên và các tổ chức thanh niên Việt Nam yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh và lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, đoàn kết mọi tầng lớp thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước cùng phấn đấu cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vì hạnh phúc và sự tiến bộ của thanh niên.

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương phải hình thành một mặt trận thanh niên rộng rãi và thống nhất do Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt. Ban Thường vụ Trung ương Đảng chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh chuẩn bị hình thành mặt trận đoàn kết rộng rãi các tầng lớp thanh niên lấy tên là Đoàn thanh niên Việt Nam. Tháng 6/1946, Tổng đoàn Thanh niên Việt Nam ra đời (gọi tắt là Đoàn Thanh niên Việt Nam), sau đổi thành Liên đoàn Thanh niên Việt Nam - một tổ chức rộng rãi của mọi thanh niên yêu nước tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Liên đoàn do Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt. Cuối năm 1946, Liên đoàn Thanh niên Việt Nam là thành viên chính thức của Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới.

I. KHÁI QUÁT

1. Giới thiệu chung

- Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam là tổ chức xã hội rộng rãi của thanh niên và các tổ chức thanh niên Việt Nam yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh và lý tưởng của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Hội LHTN Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam. 

- Hội LHTN Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 

- Trải qua các thời kỳ hoạt động với những tên gọi khác nhau, Hội LHTN Việt Nam đã xây dựng nên truyền thống vẻ vang: đoàn kết mọi tầng lớp thanh niên đóng góp xứng đáng cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

- Bước vào thời kỳ mới, Hội LHTN Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, tài năng và sức trẻ của thanh niên, đoàn kết mọi thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước cùng phấn đấu cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, vì hạnh phúc và sự tiến bộ của tuổi trẻ.

- Hội LHTN Việt Nam đoàn kết, hợp tác với thanh niên, các tổ chức thanh niên trong khu vực và trên thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

2. Tôn chỉ, mục đích của Hội

Hội LHTN Việt Nam có mục đích: Đoàn kết, tập hợp rộng rãi các tầng lớp thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước cùng phấn đấu cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

3. Chức năng của Hội LHTN Việt Nam

- Tập hợp, đoàn kết, giáo dục mọi tầng lớp thanh niên Việt Nam. Hướng dẫn và tạo điều kiện để hội viên hoàn thiện nhân cách, trở thành công dân tốt, cống hiến tài năng sức trẻ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Đại diện, bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên và tổ chức thành niên trước pháp luật và công luận.

4. Nhiệm vụ của Hội LHTN Việt Nam

- Đoàn kết, tập hợp các lực lượng thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước cống hiến tài năng, sức trẻ cho mục tiêu chung, khuyến khích hội viên và thanh niên tham gia tích cực vào hoạt động ích nước, lợi nhà, hướng thiện.

- Tổ chức các hoạt động thiết thực, góp phần giải quyết và đáp ứng những nhu cầu chính đáng của hội viên, thanh niên.

- Kêu gọi và kiến nghị kịp thời với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội cùng chăm lo bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên và các tổ chức thành viên.

- Đoàn kết hợp tác với tổ chức thanh niên trong khu vực và trên thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội vì cuộc sống văn minh, hạnh phúc của tuổi trẻ.

- Thường xuyên chăm lo xây dựng Hội, mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên, tích cực tham gia xây dựng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

5. Cơ cấu tổ chức của Hội LHTN Việt Nam

a. Hệ thống Ủy ban Hội các cấp:

- Hội LHTN Việt Nam được thành lập:

+ Cấp Trung ương.

+ Cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương

+ Cấp quận, huyện, thị xã thành phố thuộc tỉnh và tương đương.

+ Cấp xã, phường, thị trấn và tương đương.

Hiện nay 63/63 tỉnh, thành phố đã có Ủy ban Hội và Hội LHTN Việt Nam Tập Đoàn Sông Đà trực thuộc Trung ương Hội LHTN Việt Nam và có mạng lưới chi Hội, Câu lạc bộ, Tổ, Đội, Nhóm thanh niên ở cơ sở.

b. Các tổ chức thành viên tập thể của Hội LHTN Việt Nam:

- Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

- Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam

- Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam

- Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam

- Ban vận động thành lập Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam

- Ban vận động thành lập Hội Công nghệ và Tin học trẻ Việt Nam

- Ban vận động thành lập Hội Xây dựng trẻ Việt Nam

- Ban vận động thành lập Hội Tài chính Ngân hàng trẻ Việt Nam

c. Các đơn vị trực thuộc Hội LHTN Việt Nam:

- Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên

- Trung tâm tư vấn tình yêu hôn nhân và gia đình

- Trung tâm giáo dục vị thành niên

- Trung tâm Dạy nghề thanh niên

- Báo thanh niên

- Hãng phim thanh niên

- Cổng tri thức Thánh Gióng (www.thanhgiong.vn)

Nguồn: thanhgiong.vn

BÀI HÁT THANH NIÊN

Chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên thanh niên lời bài hát:

Hành khúc tuổi trẻ

      Sáng tác: Tôn Thất Thành

Lửa hồng rực cháy trong lòng ta

Tình yêu đất nước bao la

Vì Tổ quốc mến yêu

Vì cuộc sống thiết tha

Này bạn ơi đứng lên nắm tay bên nhau nào cùng hát

Lời ca chiến đấu cho tự do

Ngày mai Tổ quốc ta đẹp hơn

Tuổi trẻ ơi đứng lên

Cùng đoàn kết đấu tranh

Cờ hồng đã phất phới tung bay hiên ngang cả phương trời

Tổ quốc đang mong chờ

Là thanh niên lên đường

Cả tuổi xuân thanh niên xung phong

Cuộc sống đang dâng trào

Mùa xuân xây cho đời cả Tổ quốc đẹp tươi...

Nhạc thanh niên
Thư viện hình ảnh