Tư duy phản biện
TƯ DUY PHẢN BIỆN
Tổng thống Nga Putin nói : " khi người ta không hiểu biết gì về Lịch sử, người ta sẵn sàng viết lại Lịch sử và sẵn sàng xuyên tạc Lịch sử".
Đã có một bộ phận không nhỏ "NGƯỜI VIỆT NAM ĐANG LÃNG QUÊN QUÁ KHỨ " !
Một số bạn có góc nhìn rất lạ khi nhắc đến lịch sử bằng hình ảnh, câu chuyện hy sinh mất mát của cha ông, những chiến công oanh liệt trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mỹ, Pháp, TQ lại nhảy dựng lên cho là tuyên truyền kích động, là khơi dậy hận thù, là sống mãi trong vinh quang của quá khứ lịch sử.. Vậy lịch sử với các bạn là cái gì, quên đi và bỏ qua lịch sử bi tráng của đất nước này ư ? Đừng tỏ ra hiểu biết bằng sự vô ơn, vô cảm, vô trách nhiệm trước lịch sử.
Sống là để hướng đến tương lai nhưng không ai được phép quên quá khứ, bởi không có quá khứ thì làm gì có hiện tại và càng không bao giờ có tương lai.
Lịch sử dân tộc Việt Nam là những cuộc trường chinh không ngừng nghỉ, năm tháng nào cũng người người lớp lớp ra trận. Cuộc chiến tranh nào cũng đẫm máu và đau thương. Với hàng nghìn cuộc chiến lớn nhỏ thời phong kiến, 1000 năm Bắc thuộc, 80 năm chống thực dân Pháp, 21 năm kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh biên giới phía Bắc, chiến tranh biên giới Tây Nam. Những tưởng không ai hiểu rõ giá trị của hòa bình hơn người Việt Nam...
Nhưng có lẽ câu này chỉ đúng với đa số những người đã sống trong giai đoạn đất nước chiến tranh hoặc đã trải qua những năm tháng thiếu thốn, khó khăn ấy. Bởi không ít thanh niên Việt Nam hiện nay – những người được coi là chủ nhân tương lai của đất nước họ coi chiến tranh như một trò đùa.
Bởi họ là những người sinh ra trong hòa bình, lớn lên trong ấm no. Họ không phải trải qua những năm tháng đau thương, khốc liệt của chiến tranh, càng không biết đến những ngày đói khổ cả nước ăn cơm độn ngô, khoai, sắn,… bộ đội đi đánh giặc cũng phải ăn bo bo. Họ không phải chứng kiến sự chết chóc thường trực, không phải sống dưới làn tên mũi đạn nên không hiểu được giá trị của hòa bình...
Khi thanh niên không hứng thú với lịch sử, chúng ta đổ lỗi cho chương trình giáo dục dạy môn lịch sử quá khô khan, cứng nhắc, khiến học sinh không có hứng thú. Đúng, nhưng chỉ đúng một phần.
Lịch sử là thứ không dễ hiểu được thông qua dạy dỗ, có dạy được không khi bản thân họ không muốn học? Giờ là thời đại của công nghệ thông tin, hàng nghìn, hàng vạn trang tư liệu về chiến tranh tràn ngập trên mạng, tất cả đều là miễn phí. Nhưng thật đáng buồn, người ta thích xem phim, nghe nhạc hơn là đọc lịch sử, và có đọc thì cũng sẽ đọc những thứ lịch sử đã được cắt gọt và bóp méo trên BBC, RFA, RFI,… bởi tâm lý "báo nước ngoài thì mới khách quan, trung thực", người ta coi những câu chuyện được viết bằng máu của cha ông, được kể bởi những nhân chứng lịch sử là tuyên truyền sáo rỗng giáo điều...
Một bộ phận lớp trẻ ngày nay không chỉ lãng quên lịch sử mà còn đòi viết lại lịch sử. Dựa vào đâu? Dựa vào những cỗ máy truyền thông chống cộng khét tiếng như BBC, RFA, VOA, SBTN,…. Tâm lý sính ngoại đã ngấm vào máu người Việt Nam, sính từ đồ dùng cho đến tư tưởng.
Chỉ cần là "báo nước ngoài" nói thì luôn luôn đúng, kể cả đó là một tờ báo lá cải. Thật nực cười khi những người Việt Nam lại coi thông tin trên cái thứ "báo nước ngoài" ấy có giá trị hơn những câu chuyện kể của những người đã trực tiếp cầm súng, đã vào sinh ra tử ngoài chiến trường.
Chúng ta vẫn giữ được văn hóa và bản sắc của dân tộc mình sau 1000 năm Bắc thuộc, nhưng có lẽ chỉ cần vài chục năm "Tây thuộc", chúng ta đã tự đồng hóa chính bản thân mình. Lịch sử ngày nay là Kpop, là những câu chuyện cổ tích kiểu Disney hay khoa học viễn tưởng kiểu Hollywood. Có lẽ chỉ một thời gian nữa, khi thế hệ những người cầm súng chiến đấu trong chiến tranh không còn thì lớp trẻ sẽ tin rằng người Việt Nam được sinh ra bởi… người Mỹ.
Nhắc lại lịch sử không có nghĩa là khơi gợi thù hận hay mâu thuẫn dân tộc. Mà nhắc lại để thế hệ sau, để những người may mắn được sinh ra trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc hiểu được cái giá của độc lập và tự do. Hòa bình không tự dưng mà có, từng tấc đất dưới chân mỗi chúng ta đều đã thấm đẫm máu của bao người. Cuộc sống ngày hôm nay được xây nên bởi sự hy sinh của những người đi trước. Họ không cần chúng ta phải biết ơn, họ cần chúng ta hiểu và trân trọng giá trị của hòa bình – thứ được đánh đổi bằng máu và nước mắt.
Người ta bảo chúng ta phải biết gác lại quá khứ, xóa bỏ mọi hận thù để hướng đến tương lai. Và chúng ta đã làm rất tốt điều ấy, không chỉ khép lại quá khứ, chúng ta còn lãng quên lịch sử một cách có chọn lọc và tạo ra một thế hệ chỉ biết hưởng thụ và mơ mộng về những chiếc bánh vẽ không có thật.
Xin chốt lại bằng hình ảnh của một trong những hàng ngàn, hàng vạn những nấm mộ " Liệt Sĩ Chưa Biết Tên", vậy theo các bạn quên đi quá khứ, không nhắc lại lịch sử thì có phải là khơi dậy thù hằn ko ?
Những " Liệt sĩ chưa biết tên" kia liệu họ có bị những kẻ hô hào quên đi lịch sử, quên đi quá khứ ấy cho vào lãng quên luôn theo cách nghĩ ấy không..
Quên đi lịch sử là vô ơn với tổ tiên, với hương hồn các anh hùng liệt sĩ, những người đã ngã xuống cho hòa bình hôm nay.
Trần Đại Nghĩa /DMLH/Hương Sen Việt