Thứ Năm, 21/11/2024

Thôn Dương Lâm 1, X. Hòa Phong, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng

Liên hệ

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

Tin tức

Tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng chứ không phải là “ta đánh ta”

20/10/2021

Luận về Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam thì có khá nhiều tin bài được tung lên mạng xã hội, song bài viết “Chống quan chức suy thoái và nguy cơ “quyền lực tuyệt đối” của Phạm Quý Thọ đăng trên trang Thông Luận ngày 8/10/2021 và “Ngõ nào thoát hiểm cho Việt Nam?” của Phạm Trần đăng trên Danlambao ngày 11/10/2021 đã không chỉ xuyên tạc sự thật công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng ở Việt Nam là cuộc chiến “ta đánh ta” để tập trung quyền lực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà còn kích động lòng dân khi cho rằng “bao nhiêu tiền bạc và công sức lao động của dân đóng cho nhà nước sử dụng vào công tác rèn quân, luyện cán trong 10 năm qua đã tan theo mây khói”.

Về Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, cần phải khẳng định với Phạm Quý Thọ và Phạm Trần rằng:

Thứ nhất, xây dựng và chỉnh đốn tổ chức của một chính đảng cách mạng chân chính là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên. Đó tuyệt nhiên không phải là “ta đánh ta”, lại càng không phải là do “việc theo đuổi tập trung quyền lực để “ngăn chặn, đẩy lùi” đang gây ra nguy cơ tuyệt đối hóa quyền lực Đảng” như Phạm Quý Thọ nhận định.

Hội nghị Trung ương 4 bàn nhiều vấn đề quan trọng như thảo luận để đánh giá khách quan tình hình phòng, chống dịch Covid-19; tình hình phát triển kinh tế – xã hội cho đến hết năm 2021 gắn với việc kiểm soát dịch bện và thực hiện lộ trình cải cách tiền lương; công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng và mở rộng phạm vi (bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị); bổ sung quy định về những điều đảng viên không được làm… Hội nghị đã hoàn thành các nội dung theo kế hoạch, chứ không phải chỉ là “tiếp tục theo đuổi quyền lực để quyết liệt phòng chống các quan chức suy thoái dường như đang gây ra xu hướng tuyệt đối hóa quyền lực Đảng” như xuyên tạc.

Riêng về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhận xét, đánh giá về những kết quả đạt được, những hạn chế cần phải khắc phục và nguyên nhân của nó; đồng thời, yêu cầu Trung ương tiếp tục nghiên cứu, thảo luận để tìm ra biện pháp, giải pháp phù hợp, đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ đặt ra…Do đó, việc Hội nghị Trung ương 4 tiếp tục bàn bạc, thảo luận để tìm ra biện pháp, giải pháp hữu hiệu để nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tình hình suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là cần thiết; là để nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng; là đúng với chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”[1].

Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng không phải mới được triển khai 10 năm nay (tức là từ Đại hội XI) mà đó là nhiệm vụ thường xuyên của Đảng kể từ ngày Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập. 2 nhiệm kỳ gần đây, công tác này được tăng cường để phù hợp yêu cầu của thực tiễn, song không thể vì thế mà Phạm Quý Thọ lại nhận định hồ đồ rằng 10 năm “ta đánh ta” không đạt được kết quả gì. Đồng thời, cũng không phải vì cả 3 khóa XI, XII, XIII, Theo kế hoạch toàn khóa thì Hội nghị Trung ương 4 đều có bàn về công tác xây dựng Đảng mà Phạm Trần lại xuyên tạc rằng Đảng đã “thất bại liên miên như thế”, nên “từ nay trở đi, mỗi khi nhắc đến Trung ương 4 thì ai cũng biết đó là một thất bại quan trọng nhất của đảng”.

Hơn nữa, yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là đặt lên hàng đầu việc phải “đấu tranh xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị” nói riêng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ nói chung hoàn toàn là yêu cầu của thực tiễn công tác xây dựng Đảng, chứ không chỉ là Đảng “đang lo đã có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cấp lãnh đạo đã có những quan điểm khác với đảng về việc tiếp tục kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh và đường lối, chính sách cai trị của đảng”. Trong khoảng 5,3 triệu đảng viên của Đảng, bộ phận suy thoái đó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, cần đưa ra khỏi hàng ngũ thôi, nên Phạm Trần đừng suy diễn giản đơn thế!.

Thứ hai, phòng và chống tham nhũng là một trong những nội dung của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Chủ trương đẩy mạnh phòng và đấu tranh chống tham nhũng một cách quyết liệt là để nhằm làm trong sạch Đảng. Việc xử lý nghiêm các cán bộ, đảng viên tham nhũng; nhận định những hạn chế cần tiếp tục khắc phục trong phòng và chống tham nhũng chính là “công khai thừa nhận sai lầm, tìm ra nguyên nhân sai lầm, phân tích hoàn cảnh đã đẻ ra sai lầm, nghiên cứu cẩn thận những biện pháp để sửa chữa sai lầm ấy, đó là dấu hiệu chứng tỏ một đảng nghiêm túc, đó là đảng làm tròn những nghĩa vụ của mình”[2], chứ không phải là “để tránh sự sụp đổ chế độ, Đảng đã tập trung hóa quyền lực thông qua một cuộc chiến phức tạp, liên tục “không điểm dừng”, khốc liệt “không vùng cấm”, quyết liệt “bằng mọi giá” để hy vọng làm “trong sạch” nội bộ Đảng” như Phạm Quý Thọ bôi đen.

Khi chống tham nhũng bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn là vấn nạn nhức nhối, gây bức xúc trong xã hội, thì đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng gắn với tiêu cực, mà trọng tâm là gắn với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tại Hội nghị Trung ương 4 là phù hợp yêu cầu của thực tiễn. Cho nên, không thể vì chủ trương đẩy mạnh chống tham nhũng từ nhiệm kỳ Đại hội XI đến nay, mà bịa đặt, suy diễn rằng, vì “tương quan quyền lực trong Ban Chấp hành Trung ương đã nghiêng về “phe Chính phủ”, cho nên “Bộ Chính trị quyết định thành lập “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng” trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng bí thư làm Trưởng ban; đồng thời tái lập Ban Nội chính Trung ương, làm cơ quan thường trực”.

Không chỉ có vậy, Phạm Trần còn cho rằng, “nhiều quy định của Đảng được sửa đổi hoặc ban hành hướng đến tập trung quyền lực cao hơn cho Bộ Chính trị và người đứng đầu”. Đặc biệt, việc Bộ Chính trị thống nhất bổ sung thêm nội dung chống tiêu cực vào tên gọi của “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng” thành “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” cũng bị Phạm Trần vu khống, nói xấu Tổng Bí thư là “nhằm mở rộng hơn quyền hạn cho ông, nhưng đồng thời cũng nhắm vào các đối tượng mới ông Trọng muốn loại bỏ trong tình hình hiện nay”.

Cùng một sự suy diễn thiển cận và hồ đồ, cùng một tư duy cho rằng đấu tranh chống tham nhũng trong Đảng và trong hệ thống chính trị ở Việt Nam là cuộc “đấu tranh nội bộ; là ta đánh ta; là phân chia quyền lực; tập trung quyền lực cho Tổng Bí thư”, nên cả Phạm Quý Thọ và Phạm Trần đều nhìn theo lăng kính chủ quan của mình để xuyên tạc sự thật nội dung của Hội nghị Trung ương 4.

Cụ thể, cả 2 người đều từ cách tiếp cận vấn đề sai để cho rằng: việc bổ sung và đổi tên thành “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”; việc cần thiết phải ban hành quy định mới thay thế cho Quy định số 47-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm; việc gắn xây dựng và chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị; việc thu hồi tài sản tham nhũng chưa đạt được như mong muốn là do “các quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, lại thiếu rõ ràng, chưa đặt vấn đề nguồn gốc tài sản, vì thế mới phải đề xuất có hẳn một đạo luật riêng”, để cho rằng xây dựng và chỉnh đốn Đảng ở Việt Nam nói chung, phòng và chống tham nhũng nói riêng là thất bại. Đó chẳng qua chỉ là vì lo cho cái gọi là “quyền lực tuyệt đối” không được tuyệt đối; là “trong khi chờ có luật “đăng ký tài sản” thì quốc nạn tham nhũng cứ tiếp tục thăng hoa vì chiến dịch gọi là “đốt lò” của ông Trọng, bắt đầu từ khóa đảng XII xem ra đã hương tàn khói lạnh”; là “nhìn nhận thêm nhiều thất bại” và “mặt trái của đồng tiền “xây dựng đảng” đã hiện ra cho thấy, đảng cầm quyền Cộng sản đã sa lầy trong vũng bùn tha hóa và biến chất của chính họ gây ra. Bởi vì tham nhũng và tiêu cực luôn luôn là lẽ sống của cán bộ, đảng viên. Do đó, ông Nguyễn Phú Trọng và đảng CSVN đã không còn lối thoát”. Sự thật là, không có vũng lầy nào cả và cũng chẳng có ngõ hiểm nào, mà chỉ niềm tin và sự kiên định trên hành trình đã chọn: Đó là nhân dân Việt Nam kiên trì, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam luôn tự chỉnh đốn và đổi mới!

Những luận điệu phản động của Phạm Quý Thọ và Phạm Trần đều là sự phiến diện, cực đoan trong cách nhìn và nhận định; đều là sự bôi đen nhằm chống Đảng; bôi nhọ đồng chí Tổng Bí thư và xuyên tạc mục đích, nội dung Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam!.

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.301

[2] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.41, tr.51

Bài viết cùng danh mục
Ban hành quy định mới về 19 điều Đảng viên không được làm
29/10/2021
Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm.
Không lợi dụng dịch bệnh để thực hiện mưu đồ chính trị
28/09/2021
​​​​​​​Khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát tại Việt Nam thì trên một số trang mạng xã hội cũng bùng phát một loại “virus” nguy hiểm không kém biến thể Delta, đó là việc xuyên tạc công tác...
Nhạc thanh niên
Thư viện hình ảnh