TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 1,2/2019
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
Mùa xuân và những câu chuyện ý nghĩa về Bác!
Sinh thời, Bác Hồ luôn dành những tình cảm, sự quan tâm cho tất thảy mọi tầng lớp, giai cấp nhân dân Việt Nam. Mỗi độ Xuân về, khi khoảnh khắc đất trời và lòng người giao hòa, nhân dân Việt Nam mọi thế hệ đều thành kính nhớ về Người. Mỗi câu chuyện về Người, dù rất mực giản dị nhưng vẫn luôn có giá trị sâu sắc.
1. Những đêm giao thừa Bác đến với người nghèo
Xuân Tân Tỵ, năm 1941, Bác mới được đặt chân trở về giữa lòng Tổ quốc thân yêu sau đúng 30 năm trời ra đi tìm đường cứu nước (1911-1941). Hành trang theo Bác trở về vẻn vẹn chỉ có một chiếc va ly xách tay bằng mây, trong đựng hai bộ quần áo đã cũ và tập tài liệu Con đường giải phóng tập hợp những bài giảng trong lớp huấn luyện ở Nậm Quang (Quảng Tây, Trung Quốc) do Bác phụ trách vừa mới kết thúc trước Tết mấy hôm.
Mùa Xuân năm ấy, từ hang Pác Bó đã ra đời một bài thơ Xuân tuyệt đẹp của Bác Hồ:
"Non xa xa, nước xa xa
Nào phải thênh thang mới gọi là
Đây suối Lênin, kia núi Mác
Hai tay xây dựng một sơn hà"
Chỉ hơn bốn năm sau, ngày 02 - 9 - 1945, sơn hà của Tổ quốc đã được thu về một mối, từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau. Hồ Chí Minh trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Và mùa Xuân độc lập đầu tiên, Xuân Bính Tuất năm 1946 đã trở về trên toàn cõi đất nước với một sắc màu khác lạ làm gợi nhớ đến một thời Nghiêu Thuấn xa xưa. Vào thời khắc mọi gia đình quây quần bên nhau chuẩn bị đón giao thừa thì vị Chủ tịch nước xắn quần, bước thấp bước cao đến các ngõ hẻm ở phố Sinh Từ, phố Hàng Lọng... để được chính mắt nhìn thấy cảnh Tết vừa, Tết nghèo của bà con lao động Hà Nội mới vừa thoát khỏi ách thực dân phong kiến.
Chính trong cuộc "vi hành" đêm Ba mươi Tết của mùa Xuân độc lập đầu tiên đó, Bác Hồ đã chứng kiến cảnh gia đình một người đạp xích lô "Tết mà không có Tết" ngoài một nén hương đang cháy dở trên bàn, còn chủ nhà thì đang đắp chiếu nằm mê mệt vì ốm. Bác đã xúc động lấy khăn lau nước mắt, lặng lẽ bước ra khỏi nhà, bảo đồng chí thư ký ghi lại địa chỉ để hôm sau báo cáo cho đồng chí Chủ tịch Hà Nội biết.
Cũng đêm Ba mươi Tết Bính Tuất đó, đúng giờ giao thừa, khi Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi khắp đất nước lời chúc mừng năm mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì chính Người lại đang vui Xuân cùng nhân dân ở đền Ngọc Sơn, trong vai một cụ già cùng cháu đi hái lộc.
Lần đầu tiên nhân dân Hà Nội, nhân dân cả nước, được hưởng một mùa Xuân mới mẻ, giao thừa nghe đọc thư chúc Tết của Bác Hồ:
"Hỡi đồng bào cả nước!
Hôm nay là mùng một Tết năm Bính Tuất, ngày Tết đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tôi thay mặt Chính phủ chúc đồng bào năm mới muôn sự tốt lành" (2).
Cuối thư là một bài thơ ngắn:
"Trong năm Bính Tuất mới
Muôn việc đều tiến tới
Kiến quốc chóng thành công
Kháng chiến mau thắng lợi" (3)
Kể từ mùa Xuân đầu tiên đó, suốt 24 năm làm Chủ tịch nước, mỗi lần Tết đến, Xuân về, Bác lại nghĩ đến dân, lo sao cho dân có một mùa Xuân ấm no, hạnh phúc. Thường thì trước Tết ba tháng, Bác đã nhắc các cơ quan, các ngành chuẩn bị Tết cho dân. Riêng Bác cũng tự mình chuẩn bị sớm ba việc. Tìm ý thơ cho bài thơ mừng năm mới, nhắc văn phòng chuẩn bị thiếp "Chúc Mừng Năm Mới" để kịp gửi đến những nơi xa xôi nhất, kể cả bộ đội ở các vùng rừng núi, hải đảo xa xôi và cán bộ công tác ở nước ngoài.
Và cuối cùng là một chương trình đi thăm dân không thể thiếu đối với Bác, một chương trình riêng mà chỉ Bác và các đồng chí cảnh vệ biết.
Tối Ba mươi Tết năm 1960, Bác đến thăm gia đình mẹ con chị Tín, một lao động nghèo ở phố Hàng Chĩnh, Hà Nội. Chiều mùng hai Tết năm 1961, Bác đến Văn Miếu dự buổi bình thơ Xuân của các cụ. Mùng hai Tết năm 1962, Bác đến thăm các cháu học sinh miền Nam ở Hải Phòng. Chiều 29 Tết năm 1963, Bác cải trang thành một cụ già theo cháu đi chợ hoa và chợ Đồng Xuân... Tất cả đều bí mật bất ngờ và do đó bao giờ cũng tạo hiệu quả lớn.
Như Tết năm 1960, nếu Bác chỉ đến thăm các gia đình theo chương trình của các cơ quan đã bố trí thì làm sao Chủ tịch nước biết được gần đến giao thừa rồi mà chị Tín vẫn còn phải đi gánh nước thuê đổi gạo để sáng mai mùng một Tết có cơm ăn cho bốn đưa con của mình. Gặp Bác, chị Tín xúc động để rơi cả đôi thùng gánh nước xuống đất, run run cầm lấy bàn tay của Bác:
- Cháu không ngờ lại được Bác đến thăm...
Chỉ nói được vậy, chị đã oà lên khóc nức nở.
Vị Chủ tịch nước đã an ủi chị:
- Bác không đến thăm những gia đình như cô thì thăm ai...
Và Bác đã vào nhà thăm hỏi khá lâu năm mẹ con chị Tín. Gọi là nhà nhưng đâu có phải là nhà mà là một cái chái như một túp lều. Chồng chị Tín là công nhân khuân vác ở bến Phà Đen đã mất cách đó bốn năm, còn chị thì cho đến lúc này vẫn chưa có việc làm ổn định. Cảnh nghèo của gia đình đã phũ phàng hiện ra trước mắt Bác. Trên chiếc bàn gỗ mục chỉ có một nải chuối xanh và một gói kẹo. Đúng là "Ba mươi Tết mà không có Tết". Cách đây 15 năm, Tết Độc lập đầu tiên, Bác đã đau lòng chứng kiến cảnh một gia đình "Tết mà không có Tết" ở ngõ hẻm Sinh Từ. Đó là khi đất nước mới thoát khỏi vòng nô lệ. Còn bây giờ, kháng chiến đã thắng lợi, hoà bình đã sáu năm, mà lại còn cái cảnh này sao? Không phải ở đâu xa mà ở ngay Thủ đô Hà Nội... Vậy còn bao nhiêu gia đình như thế này ở khắp mọi miền đất nước? Cứ ngồi nghe báo cáo thì đâu cũng là no ấm, tươi vui...
Đêm ấy, trên đường về, ngồi trên xe, Bác Hồ trầm ngâm suy nghĩ. Vẻ đăm chiêu thoáng hiện trên gương mặt của Người. Bác đã từng tâm sự với các đồng chí phục vụ: "Một ngày dân chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc, các cháu chưa được học hành, mọi người còn khổ thì Bác ăn không ngon, ngủ không yên".
Về đến nhà, các đồng chí Bộ Chính trị đang chờ Bác để chúc mừng năm mới. Mọi người băn khoăn khi thấy Bác không vui. Bác kể lại hoàn cảnh gia đình chị Tín cho mọi người nghe. Cuối câu chuyện Bác nói "Ta có chính quyền trong tay, nhưng chính quyền đó chưa thực sự là do dân, vì dân. Một số lãnh đạo các địa phương còn quan liêu và nặng về hình thức. Họ không chịu đi sâu, đi sát quần chúng, nên phục vụ quần chúng chưa tốt. Nếu chúng ta chỉ nghe báo cáo của họ thì sẽ không bao giờ nắm được chính xác tình hình để có chủ trương, nghị quyết đúng đắn. Đảng quan liêu, chính quyền quan liêu, thực sự là một nguy cơ đối với đất nước chúng ta”.
2. Bác Hồ ăn Tết cùng nhân dân năm 1946
Câu chuyện này được ông Phan Xuân Thúy, một thợ ảnh kể lại. Ông kể:
“Chiều 30 Tết, Bác Hồ nói với các chiến sĩ: "Các cô các chú nào có gia đình ở Hà Nội thì mời vào đây vui Tết với Bác". Chú em tôi cuống quýt chạy một mạch về nhà báo tin. Được ăn Tết cùng với Bác thì vui quá. Đêm hôm ấy, cả gia đình tôi thao thức, tới quá giao thừa vẫn chẳng ai ngủ được.
Sáng hôm sau - tức mùng 1 Tết âm lịch năm 1946, cái Tết đầu tiên sau khi nước nhà giành được độc lập, ông cụ thân sinh tôi dậy rất sớm, ăn vận áo the, khăn xếp chỉnh tề, với tôi, anh trai Phan Xuân Giực, vợ chồng chị Phan Thị Trâm, Trần Khánh Lục và đứa con gái của họ là Trần Thị Thành cùng tới Bắc Bộ phủ.
Khi chúng tôi tới nơi thì đã thấy gần 50 người - là thân thích của các chiến sĩ khác - cũng đang đứng đợi ở ngoài sân. Bỗng Bác đi ra từ trong dinh với bộ quần áo kaki, đôi dép cao su quen thuộc. Bác đưa tay vẫy chào mọi người nói, ân cần: "Bây giờ xin mời tất cả ra đây chúng ta cùng vui Tết".
Chúng tôi theo Bác đi ra khu vườn trong Bắc Bộ phủ. Suốt dọc con đường rải đá sỏi, hai bên mượt cỏ tóc tiên, những chiếc chiếu được trải ra, cỗ đã bày sẵn. Tôi không còn nhớ chính xác có những món ăn gì, nhưng không có mâm cao cỗ đầy gì cả mà rất đơn sơ, cơm được xới từ trong những chiếc rá. Ông cụ thân sinh tôi cao tuổi nhất, được Bác nắm tay mời ngồi cùng ở mâm đầu tiên, các anh, chị tôi bế đứa nhỏ cũng ngồi kề ngay đấy.
Có mặt trong bữa cơm thân mật này còn có cả ông Đàm Quang Trung - sau này là Thượng tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và ông Vũ Đình Huỳnh - thư ký riêng của Bác. Bác mời cơm ông cụ nhà tôi, hỏi thăm cháu Thành rất ân cần, niềm nở. Tôi liền lấy máy ảnh ra chụp liên hồi. Bữa cơm chỉ kéo dài chừng nửa giờ đồng hồ nhưng tràn đầy xúc động.
Cụ Thúy hồi tưởng: "Hồi kháng chiến toàn quốc, cũng như bao gia đình Hà Nội khác, chúng tôi lên đường tản cư. Khi di tản, tôi chỉ kịp nhét vào túi áo mỗi bức ảnh này vì nó có kích cỡ nhỏ. Những bức ảnh khác được lồng khung treo ở hiệu ảnh phố Hàng Bài, cùng với sập gụ, tủ chè, tư trang, đồ đạc thì mất hết. Tấm ảnh đó luôn nằm trong túi áo tôi, là một kỷ vật, vừa như lá bùa hộ mệnh giúp tôi vượt qua bao quãng đường trường. Khi trở về Hà Nội, điều đầu tiên tôi làm là lấy máy chụp lại, rồi phóng to nó lên đem treo ở vị trí trang trọng nhất trong nhà".
Đến nay, kỷ niệm này vẫn luôn được gia đình ông kể lại với sự trân trọng và niềm xúc động sâu sắc.
Một lần nhân dịp đầu Xuân, Bác Hồ đến thăm đơn vị lính cứu hỏa Thủ đô, trong thời buổi đất nước mới bắt đầu vào xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, trang bị còn sơ sài, nhiều đồng chí biên chế chưa có nghiệp vụ, bộn bề khó khăn....Bác cháu nói chuyện rất vui vẻ, các đồng chí xin Bác một lời chúc đầu Xuân, Bác mỉm cười và nói :
- Bác chúc các chú thất nghiệp.
Lời chúc giản dị, mộc mạc của Bác gửi gắm một tình yêu bao la Người dành cho lính cứu hỏa nói riêng và nhân dân ta nói chung.
3. Giờ này miền Nam đang nổ súng
Tết Mậu Thân năm 1968 đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.
Tết năm ấy, do điều kiện sức khoẻ, Bác Hồ đi nghỉ và chữa bệnh ở nước ngoài. Tuy ở xa Tổ quốc, nhưng Bác luôn luôn theo dõi sát những thành tích và thắng lợi của đồng bào, chiến sĩ cả nước, nhất là những tin chiến thắng chiến trường miền Nam.
Tối hôm 30 Tết, Bác cùng đồng chí giúp việc ngồi trong một căn phòng vắng, tĩnh mịch thức để theo dõi tin tức trên đài và đón giao thừa. Khi ở Đài Tiếng nói Việt Nam tiếng pháo nổ vang tiễn năm Đinh Mùi và đón mừng năm Mậu Thân vừa Bác Hồ ngồi yên lặng đón giao thừa. Tiếng Bác đầu năm phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam hoà vào tiếng nhạc hùng tráng như một nguồn động viên cổ vũ lớn lao đối với đồng bào chiến sĩ cả nước:
Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!
Ánh mắt Bác lộ rõ niềm vui. Bỗng từ căn phòng nhỏ tĩnh mịch giữa lúc giao thừa thiêng liêng ấy, lời Bác nói một cách khe khẽ nhưng nghe rất rõ: “Giờ này miền Nam đang nổ súng”.
Thì ra trong lúc này, không phải Bác Hồ chỉ ngồi để nghe pháo nổ, đón giao thừa, mừng năm mới, mà chính lúc ấy lòng Bác đang hướng về Tổ quốc, hướng tới đồng bào, chiến sĩ đang chiến đấu hy sinh ngoài mặt trận.
Sáng sớm hôm mồng một Tết Mậu Thân, Bác nhận được tin “cả miền Nam đều nổ súng”. Kẻ thù hung ác của dân tộc lại bị một đòn đau bất ngờ, choáng váng. Bác Hồ vui trong niềm vui chiến thắng của chiến sĩ, đồng bào cả nước.
79 mùa Xuân của cuộc đời, Bác Hồ kính yêu luôn gắn mình với dân tộc. Bác đã dành cả cuộc đời vì mục tiêu độc lập dân tộc, giải phóng cho từng giai cấp. Trước khi Bác đi xa, trong Di chúc của mình, Bác luôn thể hiện niềm trăn trở với mục tiêu đó.
Đã 50 năm kể từ ngày Bác đi xa nhưng từng câu chuyện về Người vẫn luôn được nhắc đi nhắc lại cho từng thế hệ người Việt Nam. Những câu chuyện giản dị đó chính là hành trang đầy ý nghĩa cho chúng ta phấn đấu, nỗ lực đóng góp công sức vào xây dựng đất nước, sống với lý tưởng cách mạng vĩ đại của dân tộc./.
Nguồn: Trang tin điện tử Ban Quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
THEO DÒNG LỊCH SỬ - NGÀY NÀY NĂM ẤY
+ Ngày 02/01/1963: Ngày Chiến thắng Ấp Bắc.
+ Ngày 06/01/1946: Ngày Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
+ Ngày 7/01/1979: Ngày Chiến thắng biên giới Tây Nam chống quân xâm lược.
+ Ngày 9/01/1950: Ngày truyền thống học sinh - sinh viên.
+ Ngày 11/01/1960: Ngày tết trồng cây.
+ Ngày 13/01/1941: Ngày Khởi nghĩa Đô Lương.
+ Ngày 27/01/1973: Ngày Kí Hiệp định Paris.
+ Ngày 29/01/1258: Ngày chiến thắng Nguyên - Mông lần thứ nhất.
+ 03/02/1930: Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
+ 07/02/1418: Ngày Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa Lam Sơn.
+ 15/02/1943: Ngày mất anh Kim Đồng- Người đội viên đầu tiên của Đội Nhi đồng cứu quốc (tiền thân của Đội TNTP Hồ Chí Minh).
+ 27/02/1955: Ngày Thầy thuốc Việt Nam.
03/02/1930: NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Sau chiến tranh thế giới lần thứ I, đế quốc Pháp lại đẩy mạnh khai thác thuộc địa Đông Dương. Xã hội Việt Nam tiếp tục phân hóa sâu sắc. Giai cấp nông dân bị phá sản khốc liệt. Giai cấp tư sản dân tộc sinh sau đẻ muộn, bộc lộ sự non yếu về mọi mặt. Một bộ phận giai cấp tiểu tư sản toan phất ngọn cờ tư tưởng tư sản để tập hợp quần chúng xung quanh Việt Nam Quốc dân Đảng (thành lập tháng 12-1927). Nhưng vì bất lực cho nên sau cuộc bạo động non ở Yên Bái (đầu năm 1930) tổ chức đó tan rã, và ngọn cờ phản đế, phản phong, ngọn cờ giải phóng dân tộc chuyển hẳn về tay giai cấp vô sản.
Yêu cầu khách quan lúc này là giai cấp công nhân phải được tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin để trở thành giai cấp "Tự giác" vươn lên đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đó cũng là lúc đồng chí Nguyễn Ái Quốc, tiêu biểu cho tinh thần yêu nước và cách mạng Việt Nam tìm gặp chân lý của thời đại mới.
Năm 1917, cách mạng Tháng Mười Nga thành công. Tháng 12-1920, tại Đại hội Tua, đồng chí Nguyễn Ái Quốc tham gia thành lập Đảng cộng sản Pháp và đồng thời là người cộng sản Việt Nam đầu tiên.
Sớm nhận thấy vai trò lịch sử của giai cấp công nhân, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã đem hết tinh thần và nghị lực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, chuẩn bị về chính trị và tư tưởng cho sự ra đời của Chính Đảng vô sản ở Việt Nam. Hàng loạt bài viết của Người đăng trên các báo và tạp chí Người cùng khổ, Nhân đạo, Đời sống công nhân và cuốn sách nổi tiếng Bản án chế độ thực dân Pháp, trong suốt thời gian từ 1921-1926 đã chọc thủng tấm lưới thép của thực dân Pháp, được chuyển về Việt Nam, lôi cuốn đặc biệt những người cách mạng trẻ tuổi đầy nhiệt huyết ở nước ta đang khao khát con đường mới.
Tháng 12-1924, sau khi dự đại hội lần thứ năm Quốc tế Cộng sản, với bí danh là Lý Thụy, Người về Quảng Châu, điểm nóng của cách mạng Trung Quốc, và làm việc dưới danh nghĩa của phái bộ Bô-rô-đin, cố vấn Liên - Xô bên cạnh chính phủ Quốc Dân Đảng Trung Hoa.
Chính ở đây, ngày 19-6-1924, liệt sĩ Phạm Hồng Thái đã ném bom khách sạn Victory ở Sa-diện nhằm giết tên toàn quyền Méc-lanh trên đường công cán đang dự tiệc. Việc không thành, nhưng tấm gương của người anh hùng trên sông Châu như "chim én báo hiệu mùa xuân".
Tháng 6-1925, trên cơ sở tổ chức yêu nước của Phan Bội Châu và Tâm Tâm Xã, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thành lập tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội, trong đó hạt nhân là Cộng sản Đoàn (lúc đầu có 7 người, cuối 1926 đã có 24 người, tiêu biểu như Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong...). Nhiều lớp huấn luyện chính trị được mở tại Quảng Châu để đào tạo cán bộ tung về nước hoạt động. Tuần báo Thanh niên từ tháng 6-1926 và đặc việt cuốn Đường cách mạng (xuất bản năm 1927) đã đề cập đến những vấn đề chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam được bí mật đưa về nước góp phần tích cực vào việc truyền bá tư tưởng xã hội chủ nghĩa ở trong nước.
Từ sau cuộc bãi công Ba Son (8-1925), phong trào công nhân đã vượt qua giai đoạn tự phát, bước vào giai đoạn tự giác. Đặc biệt từ mùa xuân 1928, thực hiện chủ trương vô sản hóa, các hội viên của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội đã vào nhà máy, hầm mỏ, đồn điền để tuyên truyền và tổ chức công nhân. Địch phải thú nhận: năm 1929 có tới 43 cuộc bãi công lớn. Phong trào công nhân trên thực tế đã trở thành lực lượng chính trị nòng cốt cho phong trào giải phóng dân tộc.
Trong khi đó, phong trào yêu nước và dân chủ của tiểu tư sản sau thời kỳ phát triển bồng bột (như đòi tha cụ Phan Bội Châu tháng 12-1925, đám tang cụ Phan Chu Trinh tháng 3-1926)... đã dần dần thể hiện sự bất lực của tư tưởng tư sản và tiểu tư sản.
Phong trào Quốc gia cải lương, tiêu biểu là đảng Lập Hiến của Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long cũng đã từng bước đi vào con đường phản bội dân tộc, làm tay sai cho đế quốc.
Tình hình đó đòi hỏi cấp bách sự lãnh đạo của một Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Trong nội bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội, từ đầu 1929 đã diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa quan điểm vô sản và quan điểm tiểu tư sản xung quanh vấn đề thành lập Đảng cộng sản ở Việt Nam. Tư tưởng vô sản đã chiến thắng.
Tháng 3-1929, tại số nhà 5D phố Hàm Long (Hà Nội) Chi bộ cộng sản đầu tiên ra đời gồm 8 đồng chí: Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu... Đầu tháng 6-1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội) 20 đại biểu Cộng sản Bắc Kỳ quyết định lập Đông Dương Cộng Sản Đảng. Mấy tháng sau, An nam Cộng sản Đảng ra đời tại Nam Kỳ (10-1929). Dưới ảnh hưởng của những sự kiện ấy, một tổ chức yêu nước, tiến bộ, thành lập ở Trung Kỳ giữa năm 1925, lấy tên là Tân Việt cách mạng Đảng, sau lại đổi tên là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (1-1930).
Như thế là đầu năm 1930 ở nước ta có 3 tổ chức đều tự nhận là cộng sản và đều tìm cách tranh thủ sự thừa nhận của Quốc tế Cộng sản. Trong khi tuyên truyền vận động quần chúng, ba tổ chức không khỏi công kích, tranh giành ảnh hưởng trong quần chúng.
Ngày 27-10-1929, Ban chấp hành Quốc tế cộng sản chỉ thị: "Nhiệm vụ quan trọng nhất và cấp bách nhất của tất cả những người cộng sản Đông Dương là thành lập một Đảng cách mạng có tính chất giai cấp của giai cấp vô sản, nghĩa là một Đảng cộng sản có tính quần chúng ở Đông Dương. Đảng đó phải chỉ có một và là tổ chức cộng sản duy nhất ở Đông Dương".
Ngày 3-2-1930 (mùng 5 tết Canh Ngọ) công nhân Phú Riềng chiếm đồn điền trong một ngày - Ngày Tự Do đầu tiên! Cũng ngày đấy, đồng chí Nguyễn Ái Quốc với bí danh là Vương, thay mặt Quốc tế cộng sản chủ trì hội nghị thống nhất Đảng tại một ngôi nhà nhỏ xóm lao động thuộc Cửu Long gần Hương Cảng (Trung Quốc) gồm đồng chí Vương (Bác Hồ), đại biểu Đông Dương Cộng Sản Đảng (Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu), đại biểu An Nam Cộng Sản Đảng (Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu). Tân Việt mới chuyển thành cộng sản không kịp cử đại diện.
Thế là Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Hôm ấy, chính cương và sách lược vắn tắt do đồng chí Nguyễn Ái Quốc thảo cùng với Điều lệ đảng được thông qua. Hội nghị còn cử Ban Trung Ương lâm thời đại diện cho 211 Đảng viên của toàn Đảng.
Đảng ta ra đời là kết quả tất yếu của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của dân tộc vào cuối những năm 20 của thế kỷ này. Đảng ta ra đời là một bước ngoặc vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Đảng ta ra đời là sự chuẩn bị tất yếu đầu tiên cho thời kỳ vùng dậy oanh liệt nhất và bước nhảy vọt vĩ đại nhất trong lịch sử tiến hòa của dân tộc Việt Nam.
Tháng 10-1930, tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ nhất, cùng với việc thông qua bản Luận cương Chính trị do đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng khởi thảo, Đảng ta mang tên mới là Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngay lúc đó, Đảng ta đã lãnh đạo cao trào 30-31 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Tháng 3-1935, sau cuộc khủng bố trắng của thực dân Pháp, tại Ma Cao (tô giới Bồ Đào Nha trên đất Trung Quốc) Đại hội lần thứ nhất của Đảng đã họp để chuẩn bị cho một cao trào mới.
Tháng 8-1945 chỉ với 5.000 đảng viên, Đảng ta đã lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công, mở ra kỷ nguyên độc lập tự do ở nước ta. Đó là kết quả vĩ đại của cả quá trình 15 năm đấu tranh kể từ khi Đảng ta ra đời (1930-1945).
Tiếp đó, Đảng ta lại lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954). Đảng ta ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tháng 2-1951, tại khu rừng thuộc xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng đã họp, nhằm đưa công cuộc Kháng chiến - Kiến quốc đến thắng lợi.
Ngày 3-3-1951, Đảng ta ra hoạt động công khai với tên mới là Đảng Lao Động Việt Nam, tổng số đảng viên đã lên đến 76 vạn đồng chí. Giai đoạn 1954-1975 Đảng ta tiếp tục lãnh đạo dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến đấu đầy gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt chống Mỹ, cứu nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đồng thời giương cao hai ngọn cờ Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Qua cuộc đấu tranh vĩ đại ấy, lực lượng của Đảng lớn mạnh hơn bao giờ hết, vượt qua mọi thử thách hy sinh, thực sự là lực lượng tiên phong của cách mạng.
Tháng 9-1960, tại thủ đô Hà Nội, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ ba, đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà đã khai mạc trọng thể. Đại hội đã nhất trí thông qua đường lối đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại thành công, tháng 12-1976, trong không khí phấn khởi của đất nước vừa thống nhất, Đại hội Đảng lần thứ IV đã họp, nhằm vạch ra con đường đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Với đội ngũ trùng điệp 1 triệu 50 vạn đảng viên, Đảng ta trở lại với cái tên buổi đầu của mình là Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong quang vinh của giai cấp và dân tộc, chuẩn bị đưa Tổ quốc ta đi tới những thắng lợi huy hoàng hơn nữa.
Nguồn lichsuvietnam.vn
27/2/1955: NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM
Ngày 27/2/1955, nhân dịp tổ chức hội nghị cán bộ y tế, Bác Hồ đã gửi thư cho Hội nghị căn dặn ba điều:
“Trước hết là phải thật thà đoàn kết – Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích. Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sỹ, dược sỹ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân.
Thương yêu người bệnh – Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khoẻ cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang.
Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn.“ Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng.
Xây dựng một nền y học của ta - Trong những năm nước ta bị nô lệ thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp vơí nhu cầu của nhân dân ta. Y học cần phải dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng.
Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quí báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cưú và phối hợp thuốc “ Đông” và thuốc “ Tây”.
Vì ý nghĩa sâu sắc của bức thư này, từ năm 1985, ngày 27 tháng 2 được chọn là Ngày thầy thuốc Việt Nam.
Theo Báo Nhân Dân, số 362, ngày 27/2/1955
SỔ TAY NGHIỆP VỤ
Trong tài liệu sinh hoạt chi Đoàn số tháng 1 và tháng 2 năm 2019, chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên thanh niên, tổ chức Đoàn một số kỹ năng cơ bản của người cán bộ Đoàn:
Là một Bí thư chi đoàn chúng ta phải làm gì? Chúng ta phải làm như thế nào? Đã bao giờ bạn tự hỏi mình làm thế nào để chi Đoàn mình ngày càng vững mạnh hơn chưa? Để làm được tốt công tác của một Bí thư chi đoàn thì các bạn nên tham khảo một số kỹ năng sau
1. Kỹ năng:
1.1. Kỹ năng tham mưu, l&a