Tài chiêu hiền đãi sĩ của Bác Hồ
Bác Hồ đã nói: “Dụng nhân như dụng mộc”, dùng người như dùng gỗ, gỗ tốt phải làm đồ quý.
Nhân cách và ứng xử của Bác Hồ không chỉ thu hút trí thức kiều bào về nước xây dựng quê hương mà còn động viên họ một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc.
Cách sử dụng nhân tài của Bác Hồ là một bài học sâu sắc đối với những người và cơ quan quản lý sử dụng cán bộ, công chức trong hiện tại và cả tương lai. Xin giới thiệu bài viết của giáo sư Nguyễn Hoa Thịnh về vấn đề này.
’‘Dụng nhân như dụng mộc”
Những ngày đầu cách mạng, Bác đã mời về nước nhiều trí thức Việt Nam ở nước ngoài. Họ có chung ba đặc điểm: yêu nước kiên trung, có kiến thức uyên thâm và có cống hiến đích thực, đã được kiểm nghiệm qua thực tế.
Thế hệ trí thức Việt Nam đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám được lịch sử ghi nhận như Vũ Đình Hoè, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng… đều là nhân tài Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài, trở về nước góp sức xây dựng đất nước.
Cách sử dụng nhân tài của Bác là một kinh nghiệm luôn mới đối với thực tế hiện nay. Có người Bác mời về nước làm việc ngay, nhưng cũng có người Bác chờ họ học tiếp rồi mới mời về.
Bác cũng dành những công việc phù hợp cho từng “hiền sĩ”. Người giao cho giáo sư Tạ Quang Bửu nhiều trọng trách ở Bộ Quốc phòng và trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, giáo sư Trần Đại Nghĩa phụ trách ngành quân giới Việt Nam và nhiều trọng trách khác, giáo sư Nguyễn Văn Huyên phụ trách ngành giáo dục, giáo sư Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di… thì tiếp tục cống hiến và dìu dắt các thế hệ ngành y phục vụ kháng chiến, kiến quốc.
Nếu nhân cách của Bác thu hút các học giả thời bấy giờ về đóng góp cho quê hương một cách tự nguyện thì cách hành xử và tri thức của Người khiến họ một dạ dốc tâm dốc sức cho Tổ quốc. Và thực tế, sự phát triển rất nhanh chóng về mọi mặt của đất nước những ngày đầu giành độc lập sau hàng thế kỷ bị nô lệ là một bằng chứng sống động về tài “chiêu hiền đãi sĩ” của Người.
Tôi nhớ một câu nói về Bác, đại ý, ở Nguyễn Ái Quốc toả ra ánh sáng của một nền văn hoá, không phải của châu Âu mà có lẽ là nền văn hoá của tương lai. “Con mắt tương lai” của Hồ Chủ tịch khiến chúng ta nể phục.
Dõi vào thực tế hiện nay, đâu đó vẫn còn tồn tại cách đánh giá người tài theo hệ thống “chức quyền”. Trong khi đó, người trí thức muốn cống hiến phải dành toàn tâm, toàn sức và thời gian cho nghiên cứu, không thể phân tâm làm những công việc hành chính. Vì lẽ đó, vô hình trung, những người làm khoa học thường có vị trí không cao trong xã hội.
Bác Hồ đã nói: “Dụng nhân như dụng mộc”, dùng người như dùng gỗ, gỗ tốt phải làm đồ quý. Những người trí thức theo Bác về xây dựng đất nước trong những buổi đầu đã nổi danh về tài, trí, hơn thế là lòng yêu nước sắt son. Chính Bác và dân tộc khi đó đã thổi vào lòng họ những tình cảm và sự trân trọng vô song với đất nước, làm bùng lên khát khao cống hiến cho nước nhà. Đối với các nhà khoa học, vốn là những tinh hoa của khoa học thế giới chứ không riêng gì Việt Nam, “đồng lương” tinh thần ấy có giá trị gấp nhiều lần ưu đãi về vật chất.
Cơ hội cũng là thách thức với nhà khoa học trẻ
Các nhà khoa học thời chúng tôi, có thể nói, có nhiều thuận lợi hơn bây giờ. Chúng tôi được bao cấp hoàn toàn khi đi học và không phải lo nghĩ về chuyện xin việc khi học xong, vì đã có Nhà nước phân công công tác. Tuy vậy, chúng tôi không bao giờ thoả mãn học đến đâu là đủ.
Hiện, như chúng ta đã biết, khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Nếu trước kia, từ lúc có phát minh khoa học đến lúc áp dụng vào thực tiễn phải mất nhiều năm, thậm chí mất hàng thế kỷ thì ngày nay, khoảng cách đó đã rút ngắn lại, đến mức gần như không còn ranh giới, nghĩa là nhất thể hóa khoa học và sản xuất. Đó là cơ hội lớn cho các nhà khoa học trẻ, nhưng cũng là thách thức cho họ. Nếu họ bằng lòng với những cái đã có thì họ rất nhanh sẽ trở nên lạc hậu. Vì thế, hơn bao giờ hết, các nhà khoa học trẻ cần ghi nhớ lời Bác dạy: luôn phải gắn chặt giữa lý luận và thực tiễn.
Những nhà khoa học trẻ hiện rất nhanh nhạy và khá thực tiễn. Họ chỉ cần được chỉ dẫn đúng hướng, Nhà nước quan tâm thì sẽ tiến rất xa. Sự quan tâm của Nhà nước thể hiện bằng hệ thống giáo dục, khoa học công nghệ và sản xuất cùng những chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài…
Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, trung tướng Nguyễn Hoa Thịnh nguyên là giám đốc Học viện kỹ thuật quân sự, chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam, giám đốc Trung tâm (Viện) Khoa học và Công nghệ quân sự, hiện là chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Phát triển công nghệ, truyền thông và hỗ trợ cộng đồng.
(Theo GS. Nguyễn Hoa Thịnh – Đất Việt)