“Người chủ tương lai của nước nhà”
Kể từ ngày 1-6-1947, lần đầu tiên Bác viết “Thư gửi thiếu nhi toàn quốc”, trong đó người lãnh đạo cuộc kháng chiến đã hứa với các cháu: “Đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cũng cố gắng làm cho các cháu đều được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng”, nên cứ đến Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 hàng năm, Bác Hồ đều có thư gửi các cháu thiếu nhi Việt Nam và thế giới. Ngày 1-6 cuối cùng trong cuộc đời (1969), Bác viết bài báo “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng”, khẳng định: “Thiếu niên và nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân”.
Cách đây 101 năm, ngày 1-6-1922, trên Báo “L’ Humanité” (Nhân Đạo), Nguyễn Ái Quốc viết bài “Bình đẳng”, mở đầu bằng câu: “Để che đậy sự xấu xa của chế độ bóc lột, g.iết n.gười, chủ nghĩa tư bản thực dân luôn luôn điểm trang cho cái huy chương mục nát của nó bằng những châm ngôn lý tưởng: Bác ái, bình đẳng”.
Tiếp tục cuộc hành trình sang thăm nước Pháp, ngày 1-6-1946 máy bay từ Pegou (Miến Điện) chở Chủ tịch Hồ Chí Minh bay tiếp 1.093km rồi hạ cánh xuống thành phố Calcuta của Ấn Độ. Nhà cầm quyền Anh và Lãnh sự Pháp đã tiếp đón đoàn lưu lại đây trong 2 ngày.
Ngày 1-6-1947, Báo “Sự Thật” đăng bài “Cán bộ tốt và cán bộ xoàng” của Bác (ký bút danh A.G), viết về công tác cán bộ: “Kháng chiến là một lò đúc cán bộ. Nơi nào mà cán bộ cấp trên biết lựa chọn dìu dắt thì có nhiều cán bộ mới nảy nở và công việc phát triển... Kháng chiến lại là một viên đá thử vàng đối với cán bộ”. Bài báo kết luận: “Cán bộ mà lên mặt quan cách mạng thì mọi việc đều lủng củng. Cán bộ mà biết làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, thì việc gì cũng mỹ mãn. Những đồng chí cán bộ, phải gắng tiến lên mãi. Những ông cán bộ xoàng, xin mau sửa đổi”.
Ngày 1-6-1949, Báo Cứu Quốc đăng tiếp bài “Thế nào là Liêm?” của Bác (ký bút danh Lê Quyết Thắng). Bài báo phân tích: “Liêm là trong sạch, không tham lam. Ngày xưa dưới chế độ phong kiến, người làm quan không đục khoét dân, thì gọi là Liêm... Ngày nay, nước ta là Dân chủ Cộng hòa, chữ Liêm có nghĩa rộng hơn là mọi người đều phải Liêm... Có Kiệm mới Liêm được. Vì xa xỉ mà sinh tham lam... Cụ Khổng Tử nói: “Người mà không Liêm, không bằng súc vật”... Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. “Quan tham vì dân dại”. Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót thì “quan” dù không liêm cũng phải hóa ra Liêm... Pháp luật phải ra tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ bất liêm ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì. Mọi người phải nhận rằng tham lam là một điều xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước với dân... Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ...”.