Thứ Tư, 27/11/2024

Thôn Dương Lâm 1, X. Hòa Phong, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng

Liên hệ

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

Theo dấu chân Bác

Khi cán bộ làm nông dân

31/05/2021

“Cũng là nông dân thôi, nhưng được nhân dân tin tưởng giao nhiệm vụ, tôi nghĩ mình cần nỗ lực cống hiến nhiều hơn nữa. Khi được lĩnh hội những giá trị về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tôi hiểu rằng nhân dân là tất cả, cán bộ nào nếu mất lòng dân thì người đó thất bại. Công tác dân vận, vận động nhân dân là chiếc chìa khóa thành công của mọi công cuộc đổi mới”.

Ông Ngô Văn Xuân, cán bộ Văn phòng UBND xã, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Liên, chia sẻ về công tác dân vận. Dưới cái nhìn của ông, dân vận là vận động tất cả mọi tầng lớp nhân dân không để sót một người nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc được Đảng, chính quyền và đoàn thể giao cho. Thấm nhuần lời dạy sâu sắc của Bác Hồ: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Chính vì thế, ông luôn lấy cái lý của người cán bộ, cái tâm của người nông dân để kêu gọi, vận động bà con…

Trường Định là một thôn nằm ở vùng trũng thấp sát sông Cu Đê, tách biệt với bên kia vùng đất liền xã Hòa Liên. Bà con sống dựa vào nông nghiệp là chính, “bán lưng cho trời, bán mặt cho đất”. Khi chưa có cầu Trường Định, việc đi lại của người dân ở thôn héo hút này chủ yếu là thuyền, đò. Mỗi mùa nước lớn, ông trời cứ như giận ai, nhấn chìm toàn bộ hoa màu của người dân. Chính vì vậy, đời sống bà con còn lắm khó khăn, hộ nghèo cũng nhiều, thất nghiệp cũng nhiều, các phong trào chung của thôn dường như đi vào ngõ cụt.
Mảnh đất tưởng chừng chỉ giậm chân tại chỗ bởi sự nghèo khó ấy đã được khởi sắc bởi bàn tay của người nông dân Ngô Văn Xuân, Chủ tịch Hội nông dân xã kiêm Bí thư thôn Trường Định. Năm 2016, ông Xuân về Trường Định làm Bí thư Chi bộ, thực hiện phát động xây dựng thôn kiểu mẫu nông thôn mới. Khó khăn, thử thách không đếm xuể. Xác định việc quan trọng, cần thiết ngay lúc đó là củng cố, khơi dậy lại hệ thống chính trị ở thôn, ông từng bước vực lại sự sống cho Chi bộ, các hội đoàn thể. Ông vận động từng cá nhân để họ chịu đứng ra làm người đứng đầu, nhiệt tâm cống hiến cho cộng đồng.
Hai năm sau, đất và người Trường Định đã khác xưa. Con đường đã được bê tông hóa theo chuẩn nông thôn mới lên 6km, không còn lầy lội, ngập úng trong mùa mưa. Bà con ai nấy cũng phấn khởi, cười xề xề, chiều chiều quét dọn đường cho sạch, đẹp như mới. Suốt tuyến đường có cây xanh, các pa-nô tuyên truyền, xây dựng tổ đoàn kết, tạo nên nét văn hóa văn minh cho khu dân cư. Rồi hệ thống điện chiếu sáng được lắp đặp, chiếm 90% địa bàn toàn thôn… Từ đó, đời sống tinh thần của người dân trong thôn ngày một được nâng cao.

Giờ đây, đến Trường Định, người ta không quên dành cho nhau những quả dưa hấu Hắc mỹ nhân theo tiêu chuẩn VietGAP. Bà con nông dân được vận động để chuyển đổi đất trồng hoa màu, tham dự các lớp tập huấn của Hội Nông dân thành phố. Có những thời điểm được mùa, giá tăng cao, nhất là dịp Tết, bà con lại phấn khởi vô cùng.
“Ai về Trường Định mà coi, con tôm nó nhảy, con cua nó bò”. Nhờ sự vận động và chia sẻ của ông, bà con trong thôn thi đua phát triển kinh tế. Vào mùa thu hoạch tôm, ở nơi đây đông như hội. Từ việc ban đầu chỉ vài hộ rụt rè nuôi con tôm, giờ thì diện tích lên gần 24 ha với 36 hộ; mỗi năm đạt sản lượng 84 tấn thu về gần 29,2 tỷ đồng. Đây là mô hình phát triển khá bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nông dân. Ngoài dưa hấu, tôm nước lợ, thì vùng đất này đang mở rộng thêm nhiều mô hình hơn nữa như nuôi cua, cá dìa xen kẽ vụ mùa để hạn chế rủi ro do thiên tai. Có thể nói thịt tôm, thịt cua ở đây ngọt hơn bình thường, phải chăng nó đi từ những đôi bàn tay lam lũ, vay vốn ngân hàng, từ chưa biết gì về kỹ thuật cho đến những cố gắng của bà con, của người Bí thư Chi bộ kiêm “nghề” nông dân?

Từ khi có công việc ổn định, Trường Định cũng giảm dần hộ nghèo, bà con an tâm phấn khởi sản xuất. Rồi các hoạt động trong thôn cũng đẩy mạnh hơn, nhất là hoạt động của chi hội phụ nữ. Bác Hồ từng nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” quả thực đúng. Bằng cái tâm của người cán bộ, ông Xuân đã đưa Trường Định đồng lòng một khối để lo liệu cái khó vạn lần.
Ông Ngô Thiện Mỹ, Bí thư Chi bộ thôn Quan Nam 6, có mấy vần thơ viết về Trường Định: Ai về qua đất Hòa Liên/ Nhớ sang Trường Định, đất hiền thấm sâu/ Cu Đê nay đã bắc cầu/ Dòng sông xanh thẳm một màu yêu thương/ (…) Ở đây đất tốt, dưa cười với ta/ Quanh năm xanh tốt mượt mà/ Giúp cho cuộc sống chan hòa, đi lên/ Nuôi tôm nước lợ vững bền/ Ngày xưa sản xuất bấp bênh khó nghèo/ Bây giờ áp dụng thâm canh/ Sản lượng đảm bảo lên nhanh, theo đà…
Những quả ngọt hôm nay là một chặng đường gian nan, ông rút ra một điều là chẳng nơi đâu dễ như dân mà cũng chẳng nơi đâu khó như dân. Khi về làm Bí thư Chi bộ thôn, ông nếm không biết bao nhiêu tủi hờn, bởi “dân nói khó nghe lắm”. Ông nhớ lần đi vận động chuyển đổi lúa hữu cơ, có một hộ gia đình thuần nông không muốn ai quản lý mình trong việc canh tác, chưa hiểu về cái lợi của lúa hữu cơ nên một mực từ chối. Năm lần bảy lượt ông đến, nói cho họ nghe về quyền lợi giống lúa hữu cơ, nào là được Nhà nước hỗ trợ 100% giống, 30% phân bón, 100% kỹ thuật, trung bình bán 1 tạ vơi giá gấp 2 - 3 lần lúa bình thường. Rồi họ nghe theo, kết quả hiện nay Trường Định có khoảng 20 ha lúa hữu cơ xanh mượt.
Trong việc hoàn thành chỉ tiêu xây dựng Nông thôn mới, mới thực sự là thử thách với ông. Bản thân không phải là người của thôn nên ông chưa thể nào hiểu hết được tâm tư nguyện vọng của bà con hay nôm na là chưa có tình cảm nhiều, bà con cũng chưa yêu quý nhiều; bà con phải đóng góp một khoản lớn trong 1 năm nhiều hơn so với thu nhập lao động của mình nên họ bất bình, phản đối…
Những lý do trên cùng rất nhiều lý do khác như đánh đố sức chịu đựng, cái “khéo” của người cán bộ. Ông phải đi từng hộ dân, họp từng tổ để gần dân hơn, nói từ từ cho họ hiểu cái quyền lợi họ nhận được là những gì, đi đôi với quyền lợi là trách nhiệm cần thực hiện. Ông chia sẻ: “Những hộ nào dễ thì thôi, còn hộ khó thì mình chịu khó, nhẫn nại hơn tí, họ là nông dân sao hiểu hết được đường lối, chủ trương của Nhà nước nhanh như mình được. Nếu mình mà lơ họ thì phong trào chung cũng không thành, mình cũng khó mà làm cán bộ tốt được”.
Chúng tôi tin tưởng rằng, với những nỗ lực, cố gắng của mình, ông sẽ có những cách làm hay để đưa những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ngày càng gần dân, sát dân hơn nữa. Ông xứng đáng là tấm gương “Dân vận khéo” để mọi người học hỏi.
VÕ THỊ NHƯ Ý
Bài viết cùng danh mục
Đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ để phát triển hợp tác xã
29/10/2023
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hợp tác xã 2023 (gọi tắt là dự thảo Nghị định).
Đổi mới chính sách tiền lương đối với công chức, viên chức để phòng chống tham nhũng
18/10/2023
Ngày 11/10/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 168/NQ-CP về Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2023.
Hòa bình không bao giờ đến dễ dàng
17/10/2023
Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc tới trường của các em học sinh miền Bắc trước năm 1975. Những chiếc mũ mà các em đội trên đầu được làm bằng rơm khô đan dày và chặt và thường có nhiều tầng lớp... Những...
Không kiểm điểm đảng viên mới kết nạp chưa đủ 6 tháng
11/10/2023
Ngày 04/10/2023, Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy định 124-QĐ/TW về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.
Nhạc thanh niên
Thư viện hình ảnh