ĐỒNG LÒNG CHỐNG DỊCH
Thôn Đại La, xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) không phải điểm nóng Covid-19 nhưng người dân nơi đây luôn tự giác chấp hành nghiêm quy định phòng dịch. Tại các tuyến đường giáp ranh, Tổ Covid-19 cộng đồng thường xuyên cử lực lượng giám sát người qua lại, hoạt động giao nhận hàng hóa cũng diễn ra tại chốt trực nhằm bảo vệ “vùng xanh” khu dân cư.
Chị Nguyễn Thị Kim Th. sống tại thôn Đại La cho biết, gần 2 tháng qua, các biện pháp phòng dịch tại địa phương diễn ra chặt chẽ, có sự giám sát của cán bộ thôn. Theo đó, người dân ở yên trong nhà, chỉ ra ngoài khi có giấy đi đường do chính quyền địa phương hoặc cơ quan có thẩm quyền cung cấp. Chốt kiểm dịch được lập tại 2 cửa ngõ chính ra vào thôn, người dân qua chốt phải đo thân nhiệt, kiểm tra giấy tờ và có sổ ghi chép, theo dõi.
Tương tự, ông Trần Văn Hoa, đảng viên sinh hoạt tại Chi bộ thôn Đại La tỏ ra yên tâm với công tác phòng dịch tại địa phương. Ông Hoa nói, thời gian qua, người dân thôn Đại La khá tự giác thực hiện 5K; chủ động xây dựng các phương án phòng dịch; công tác tuyên truyền diễn ra thường xuyên, liên tục trên hệ thống loa phát thanh, loa di động…
“Tinh thần của chúng tôi là mỗi người góp một tay để công tác phòng dịch được bảo đảm; người dân đủ lương thực, thực phẩm; trẻ em đủ sách vở, phương tiện học trực tuyến trong những ngày toàn thành phố “ai ở đâu thì ở đó”. Thời gian qua, chi bộ thôn đã chỉ đạo cán bộ Mặt trận, Hội Phụ nữ, Chi đoàn Thanh niên… làm tốt công tác tuyên truyền, kịp thời phát hiện, báo cáo ngành y tế ngăn chặn nguy cơ xảy ra dịch bệnh”, ông Hoa nói.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, chiếc khẩu trang, bình sát khuẩn trở thành vật bất ly thân của người dân thôn Đại La. Đặc biệt, khi xã Hòa Sơn ghi nhận ca lây nhiễm Covid-19 hồi giữa tháng 8, người dân trong thôn càng cẩn trọng, ít đi lại để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. Chị Kim Th. cho biết, gia đình chị ghi lại lịch trình sinh hoạt hằng ngày, cài đặt phần mềm theo dõi sức khỏe, khai báo y tế để tiện việc theo dõi, nắm bắt thông tin dịch bệnh.
Thôn Đại La có địa bàn rộng, tập trung gần 500 hộ dân sinh sống, chủ yếu trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi và phát triển kinh tế rừng. Cách đây vài năm, khu dân cư Hoàng Văn Thái hình thành đã tạo điều kiện cho một số hộ dân chuyển sang làm dịch vụ, buôn bán nhỏ lẻ.
Trưởng thôn Đại La Phan Thanh Sinh cho hay, trên địa bàn có 2 trạm dịch vụ trung chuyển hàng hóa, 1 cây xăng và hơn 70 hộ kinh doanh vừa và nhỏ, là nguồn lực giúp địa phương phát triển kinh tế, giải quyết nguồn lao động tại chỗ.
Theo ông Sinh, công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định phòng dịch được Tổ Covid-19 cộng đồng của thôn thực hiện thường xuyên. Ngoài 2 chốt chặn ra vào thôn, các thành viên phân chia nhiệm vụ giám sát người về từ vùng dịch, hỗ trợ bà con mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, phân phối hàng cứu trợ, vận động lực lượng đoàn viên, thanh niên, dân quân tự vệ hỗ trợ nông dân thu hoạch nông sản. Ngoài ra, một nhóm khác đi vận động gia đình khá giả chung tay tương trợ tinh thần, vật chất cho hộ nghèo, hộ khó khăn.
“Có những ngày chúng tôi chạy mướt mồ hôi ngoài đường để phục vụ công tác điều tra, truy vết, đưa giấy mời hộ dân đi xét nghiệm, tiêm vắc-xin, quên cả giờ cơm nước. Chưa bao giờ làm công tác thôn lại vất vả như giai đoạn này, nhưng ai cũng cố gắng, động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ với hy vọng giữ cho thôn Đại La không phát sinh điểm nóng Covid-19”, ông Sinh chia sẻ.