Thứ Năm, 09/05/2024

Thôn Dương Lâm 1, X. Hòa Phong, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng

Liên hệ

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

Hoạt động Đoàn - Hội - Đội

Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"

20/12/2022

QĐND - Từ mùa khô năm 1967-1968, Mỹ đã tăng cường sử dụng máy bay B-52 đánh phá rất ác liệt cả ban ngày và ban đêm, dọc theo tuyến đường số 9 đến bắc vĩ tuyến 17 để ngăn chặn mọi sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Phi đội trưởng Trung đoàn Không quân 921 Phạm Thanh Ngân cùng với phi công tiêm kích Nguyễn Văn Cốc được giao nhiệm vụ đánh máy bay B-52 trên khu vực đường số 9 ở Quảng Trị.

Thời gian chuẩn bị rất khẩn trương. Quân chủng đồng ý dùng máy bay ném bom T-16 làm “quân xanh” B-52, bay trên độ cao 10.000m để các anh tập ngắm bắn và tập cất, hạ cánh ở sân bay ghi sắt Hòa Lạc. Nhiều lần bí mật cất cánh vào Khu 4, gặp máy bay địch không được phép đánh. Có lần sắp hạ cánh xuống sân bay Vinh, lại bị 4 chiếc F-4 công kích theo, các anh phải lao vào mây, thoát ly bay về sân bay Nội Bài, đúng vừa lúc hết dầu.

Vào dịp Tết Mậu Thân 1968, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Không quân tiêm kích 923, Trung đoàn Không quân vận tải 919 và kíp trực ban chiến đấu sẵn sàng đánh B-52 của Trung đoàn 921 vui mừng chào đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm và chúc Tết đơn vị. Những tràng vỗ tay vang lên trong hàng quân khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng tươi cười bước đến, chào mọi người và thăm hỏi tình hình chiến đấu, công tác, sinh hoạt... của đơn vị. Thủ tướng chuyển lời chúc năm mới của Trung ương và Bác Hồ tới cán bộ, chiến sĩ toàn quân chủng; thông báo tình hình và động viên, khích lệ tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Thủ tướng trao quà năm mới và giới thiệu hai nghệ sĩ trẻ là ái Xuân và ái Vân hát tặng cán bộ, chiến sĩ không quân bài ca mới được phổ thơ Mừng Xuân của Bác Hồ. Mọi người vui sướng lắng nghe những giai điệu mượt mà, tràn đầy lạc quan: Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/Thắng trận tin vui khắp nước nhà/Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!

Trong giờ phút thiêng liêng này, ai cũng nung nấu quyết tâm thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, ngăn chặn sự tàn phá hủy diệt bằng pháo đài bay B-52 của kẻ thù. Trong các cuộc họp, mọi người xác định: Nếu gặp B-52, thì sẽ bằng mọi giá tiêu diệt nó. Nếu đã bắn hết mỗi người hai quả tên lửa mà không diệt được, thì dùng máy bay mình làm quả tên lửa thứ ba lao vào B-52...

Nhưng họ phải chờ đến ngày 4-10-1971, lần đầu tiên phi công tiêm kích Đinh Tôn được lệnh xuất kích đánh B-52 trên vùng trời Khu 4. Đinh Tôn vượt qua được vùng nhiễu dày đặc của địch, lần tìm phát hiện thấy mục tiêu B-52 trong tình thế đối đầu quá gần, không đánh được. Bọn F-4 phát hiện MiG-21, quây vào, tạo thời cơ cho B-52 quay về nơi xuất phát. Trận đánh không thành nhưng đã giúp cho quân chủng rút ra nhiều điều bổ ích để hoàn thiện cách dẫn đường cho MiG-21 đánh B-52.

Quân chủng triển khai Sở chỉ huy tiền phương trên chiến trường Khu 4, các trạm ra-đa nằm vùng trên các trận địa tiền phương, các cao điểm giáp biên giới đã bí mật mở máy trinh sát, theo dõi địch liên tục ngày đêm. Nhiều sân bay dã chiến được bộ đội công binh sửa chữa kịp thời. Nhưng hàng loạt khó khăn ở chiến trường Khu 4 khi Hạm đội 7 của Mỹ ngày đêm hoạt động. Hằng ngày, chúng dùng máy bay đánh phá vào các mục tiêu của ta bằng tên lửa sơ-rai khống chế các đài ra -đa và dùng pháo bắn vào các sân bay mà chúng nghi là có MiG.

Đêm 20-11-1971, Bộ tư lệnh Quân chủng ra lệnh sử dụng hai máy bay MiG-21 trực chiến: Phi công Hoàng Biểu trực ở sân bay Vinh và phi công Vũ Đình Rạng trực ở sân bay Anh Sơn. Khi Sở chỉ huy tiền phương phát hiện có B-52 hoạt động, Hoàng Biểu được dẫn dắt tiếp cận mục tiêu, nhưng địch phát hiện được, tốp B-52 quay trở về căn cứ. Trận đánh không thành. Sở chỉ huy cho phi công Hoàng Biểu về sân bay Sao Vàng hạ cánh.

Lúc 20 giờ 10 phút cùng đêm ấy, phát hiện một tốp B-52 bay từ hướng tây sang. Phi công Vũ Đình Rạng được lệnh tiếp cận mục tiêu. Vũ Đình Rạng từng là phi công chiến đấu ban ngày với không quân của hải quân Mỹ. Lúc này, Thượng tá, Phó tư lệnh Trần Mạnh trao đổi liên tục với sĩ quan dẫn đường Nguyễn Văn Chuyên đang vạch một đường chì trên bản đồ, theo mũi tên thể hiện tốp B-52 sẽ bay vào. Đó là khu vực Tà-lê Phu-la-nhích, một trọng điểm B-52 thường xuyên đánh phá. Cùng lúc, tại Sở chỉ huy trung tâm B3, Tư lệnh Đào Đình Luyện hiểu rõ thời cơ một trận đánh B-52 đang đến gần. ông chỉ đạo kíp dẫn đường chiếc MiG-21 của Rạng cho đến khi Sở chỉ huy B8 nhìn thấy. Vũ Đình Rạng bay dọc trên đỉnh Trường Sơn theo hướng đông nam 160 độ, vượt qua đèo Keo Nưa. Từng tốp B-52 vẫn tiến vào. MiG-21 bay với giãn cách rất tốt. Tại Sở chỉ huy B8 ở Đông Dương nhận được tín hiệu đường bay của chiếc MiG-21 và tốp B-52 nằm trong tầm phát hiện của ra -đa dẫn đường. Thời cơ chuyển hướng cho MiG-21 đã đến. Đại úy Nguyễn Văn Chuyên đo khoảng cách từ chiếc MiG-21 đến tốp B-52 rồi báo cáo:

- Đề nghị cho tiếp địch!

Thượng tá Trần Mạnh nhìn đường bay của ta và địch rồi quả quyết: Đồng ý! Nguyễn Văn Chuyên lệnh cho Vũ Đình Rạng vứt thùng dầu phụ. Lúc này, sĩ quan ra-đa Lê Thiết Hùng mở mi-crô trực tiếp dẫn trên hiện sóng. Anh cho Rạng vòng trái, rồi áp vệt bay trùng với vệt bay của 3 chiếc B-52. Tư lệnh Đào Đình Luyện hai tay chống lên bàn, ông nhìn vào tấm bản đồ chiến đấu của không quân, đường chì xanh phía trước, đường chì đỏ phía sau. Khi chiếc MiG-21 chỉ còn cách tốp B-52 khoảng 20km, ông ra lệnh cho sĩ quan tác chiến chuẩn bị sân bay Anh Sơn và Thọ Xuân để cho MiG-21 hạ cánh sau khi công kích.


Lúc này, tại trạm ra-đa ở Pháp Kệ, Đại đội 41 được lệnh bảo vệ “đuôi” cho MiG-21. Lúc này, khoảng cách giữa MiG-21 và tốp B-52 còn 15km, Nguyễn Văn Chuyên lệnh cho Vũ Đình Rạng mở ra -đa trên máy bay của mình. Rạng bật công tắc, reo lên:

- Phát hiện B-52, cự ly 11km, xin phép công kích!

Tại Sở chỉ huy phía trước của trung đoàn, Trung tá Trần Hanh ra lệnh:

- Cho phép công kích!

Vũ Đình Rạng tăng lực toàn phần, rút ngắn cự ly tiếp cận địch, anh đưa chiếc B-52 vào vòng ngắm. Rạng muốn đến gần hơn, anh nhẩm đếm thêm 5 giây, cự li xích gần 1.500m. Vũ Đình Rạng bóp cò. Quả tên lửa lao vút về phía trước. Một chớp nổ lóe lên, lửa bùng ra một bên cánh B-52 rồi tắt dần. MiG -21 lướt trên lưng chiếc B-52 vừa bị trúng đạn. Vũ Đình Rạng thấy phía trước một chiếc B-52 khác, nhưng quá gần, không đủ thời gian để ngắm bắn. Rạng vòng trở lại, anh nhìn thấy chiếc B -52 dẫn đầu, anh đón đầu phóng quả tên lửa còn lại, nó bay vút ra phía trước khá gần chiếc B -52. Vũ Đình Rạng được lệnh thoát ly chiến đấu và trở về sân bay Anh Sơn hạ cánh an toàn.

Hôm sau, đài BBC đưa tin: Lần đầu tiên B-52 bị MiG-21 tập kích trên bầu trời miền tây Quảng Bình. Một năm sau, vào dịp Nô-en 1972, trong trận “Điện Biên Phủ” trên bầu trời Hà Nội, tên phi công Mỹ lái chiếc B-52 bị tên lửa ta bắn rơi, khai rằng: Vào thời điểm diễn ra trận đánh của MiG-21 tháng 11-1971 có một chiếc B-52 trong phi đoàn của chúng bị trúng tên lửa không đối không của MiG, đã bị hư hỏng nặng, không về được sân bay căn cứ U-ta-pao, cố lết về hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Nakhom-Phanom (Thái Lan).

Sau trận đánh đêm 20-11-1971, không quân Mỹ phải ngừng hoạt động một thời gian dài để tìm cách đối phó với MiG. Đây là cơ hội cho Đoàn vận tải 559 vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực và lực lượng chi viện cho mặt trận miền Nam để mở các chiến dịch lớn những năm sau.

Tháng 4-1972, lực lượng B-52 của Mỹ được lệnh oanh tạc miền Bắc Việt Nam theo kế hoạch “Sút bóng trước khung thành I”. Lần đầu tiên B -52 đánh vào một khu vực có hỏa lực phòng không mạnh, đó là trận ném bom vào Hải Phòng ngày 16-4-1972. Tám năm thực hiện chiến dịch “ánh lửa hồ quang” là quá trình tập dượt của Không quân chiến lược Mỹ ở chiến trường miền Nam. Hệ thống chỉ huy dẫn đường ngày càng được hoàn thiện. Các máy gây nhiễu được cải tiến và nâng cao. Đến tháng 12-1972, khi quyết định tung hàng trăm lần chiếc B -52 vào vùng trời Hà Nội, Hải Phòng... thì các nhà chiến lược ở Nhà Trắng và Lầu Năm Góc tin rằng, những siêu pháo đài bay đã trở thành bất khả xâm phạm và đòn tập kích chiến lược này sẽ là đòn quyết định buộc Hà Nội phải đầu hàng.

Ngày 18-12-1972, từ sáng sớm, địch đột ngột giảm cường độ đánh Quân khu 4. Suốt cả buổi sáng chúng cho máy bay không người lái vào trinh sát Hà Nội, Hải Phòng. 16 giờ, Bộ Tổng tham mưu thông báo có 32 chiếc B-52 cất cánh từ Gu-am đang hướng vào Bắc Việt Nam. 18 giờ 50 phút, toàn quân chủng được lệnh báo động cấp 1. Tổng trạm ra-đa quân chủng nhận được thông báo của Trung đoàn ra-đa 291: B-52 đang bay vào Hà Nội!

Lệnh báo động B-52 đánh vào miền Bắc được phát ra lúc 19 giờ 15 phút ngày 18-12-1972 cho toàn Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh trên miền Bắc. Phi công tiêm kích Phạm Tuân đang trực chiến ở sân bay Nội Bài được lệnh cất cánh. Khi máy bay còn đang nổ máy ở đầu đường băng thì 3 chiếc F-111 của Mỹ bay rất thấp vào đánh sân bay. Đạn pháo phòng không của ta bắn lên tạo những vệt lửa đan chéo trên bầu trời. Phạm Tuân lấy tốc độ kéo gấp máy bay lên để tránh các luồng đạn phòng không đang bắn lên. Máy bay của anh được dẫn đến khu vực Hòa Bình thì phát hiện địch. Phạm Tuân bật tăng lực lướt tới. Tốp F-4 bay bảo vệ B-52 phát hiện có MiG liền quây vào. Bốn quả tên lửa địch cùng phóng tới một lúc. Phạm Tuân phải thực hiện động tác kỹ thuật lái để tránh tên lửa, đồng thời đuổi theo tốp B-52 phía trước. Sau khi tránh được tên lửa địch và kéo máy bay lên, anh không còn nhìn thấy đèn của tốp B-52 nữa. Bật ra-đa thấy dày đặc nhiễu, lũ F-4 lao vào anh càng đông hơn. Sở chỉ huy lệnh cho Phạm Tuân về hạ cánh.

Đêm 20-12-1972, quân chủng lệnh cho hai MiG-21 cất cánh nhưng bị địch gây nhiễu rất nặng, cả hai phi công đều bị mất mục tiêu phải quay về. Những lần xuất kích sau đó, MiG-21 vẫn chưa tiếp cận được mục tiêu. Chiều 27-12, Phạm Tuân được lệnh cất cánh từ sân bay Nội Bài, cơ động lên sân bay Yên Bái. Tại đấy, Phạm Tuân được lệnh cất cánh lúc 0 giờ 20 phút. Đến Sơn La, anh phát hiện đội hình B-52 của địch, anh điều khiển máy bay vượt qua hàng rào bọn F-4, bay ngang đến chiếc B -52 bay sau cùng trong tốp, lập tức phóng liền hai quả tên lửa. Máy bay B -52 trúng đạn bốc cháy dữ dội. Phạm Tuân lao xuống thoát ly chiến đấu, trở về hạ cánh an toàn xuống sân bay Yên Bái.

Sau một ngày hân hoan mừng chiến thắng của người đồng đội bắn rơi “Pháo đài bay” B-52, đêm 28-12, Vũ Xuân Thiều - nguyên là phi công chiến đấu nhiều trận trong đội hình Trung đoàn 921 vừa được điều về Trung đoàn 927-được lệnh cất cánh từ sân bay Cẩm Thủy. Sở chỉ huy của Trung đoàn 921 ở sân bay Thọ Xuân dẫn Thiều bí mật quay vòng phía sau đội hình B-52. ở độ cao 10km trên vùng trời Sơn La, Thiều phát hiện bằng mắt thường ánh đèn vàng của hàng chục chiếc máy bay B-52 và đèn xanh, đỏ của rất nhiều máy bay tiêm kích đi hộ tống. Anh lọt giữa một rừng đèn nhấp nháy của máy bay các loại. Được sĩ quan dẫn đường ra-đa Lê Thiết Hùng dẫn vượt qua hàng rào bọn tiêm kích, Vũ Xuân Thiều nhanh chóng tiếp cận B-52 ở cự ly 10.000m. Anh nhìn rõ đèn vàng B-52 nhấp nháy và xin phép vào công kích. Khoảng cách giữa máy bay anh và chiếc B-52 đã rất gần, nếu vượt qua rồi mới vòng lại công kích thì địch sẽ phát hiện được, nên anh quyết định đánh ngay. Vũ Xuân Thiều phóng một lúc cả hai quả tên lửa. Trong tích tắc, máy bay B-52 bốc cháy, nổ tung. Cự ly bắn gần, máy bay Vũ Xuân Thiều lao thẳng vào ngọn lửa khổng lồ B-52. Hàng trăm máy bay địch lúc đầu hùng hổ, bây giờ thì hốt hoảng tháo chạy tán loạn về căn cứ. Người con Hà Nội Vũ Xuân Thiều đã anh dũng hy sinh lúc vừa tròn 27 tuổi.

Trận chiến đấu cuối cùng của đời mình, Vũ Xuân Thiều đã lập được một kỳ tích, bắn rơi máy bay B-52, là chiếc thứ 33 trong tổng số 34 chiếc B-52 của đế quốc Mỹ bị bắn rơi trong 12 ngày đêm chiến dịch Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không.

 

Bài viết cùng danh mục
HÒA VANG - ĐẠI LỘC PHỐI HỢP TỔ CHỨC NGÀY HỘI ĐOÀN VIÊN NĂM 2024
08/04/2024
Thực hiện Kế hoạch Tháng thanh niên năm 2024, nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2024). Ngày 24/3/2024, 02 đơn vị kết nghĩa Huyện đoàn Đại Lộc và Huyện đoàn Hoà...
HÒA VANG: RA MẮT CLB “THANH NIÊN HÒA VANG - KHÁT VỌNG KHỞI NGHIỆP” VÀ SINH HOẠT QUÝ I-2024
04/04/2024
Ngày 29/3/2024, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Hòa Vang tổ chức ra mắt Câu lạc bộ “Thanh niên Hòa Vang - Khát vọng khởi nghiệp” và sinh hoạt Quý I-2024.
HÒA VANG: TỔ CHỨC HÀNH TRÌNH THÁNG 3 BIÊN GIỚI NĂM 2024
29/03/2024
​​​​​​​Ngày 29/3/2024, nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Thành phố Đà Nẵng (29/3/1975-29/3/2024), Huyện Đoàn Hòa Vang tổ chức hành trình "Tháng Ba biên giới" nhằm tiếp tục lan toả tình yêu Tổ quốc...
HÒA VANG: TỔ CHỨC CHƯƠNG TRÌNH TRAO TẶNG “GÓC HỌC TẬP CHO EM”.
27/03/2024
Nhằm chia sẻ, động viên đến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện, giúp các em có điều kiện tốt hơn vươn lên trong học tập, ngày 22-3-2024, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Hoà Vang tổ...
Nhạc thanh niên
Thư viện hình ảnh