Thứ Ba, 31/12/2024

Thôn Dương Lâm 1, X. Hòa Phong, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng

Liên hệ

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

Thư viện tài liệu

TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 9/2019

07/09/2019

Vang mãi lời Tuyên ngôn Độc lập

74 năm đã qua nhưng bản Tuyên ngôn Độc lập vẫn vang vọng non sông, thấm sâu vào trái tim người Việt Nam. Ngày Quốc khánh - Tết Độc lập, mỗi người dân Việt Nam đều có quyền tự hào về thành quả cách mạng, tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, dân tộc anh hùng...

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” lịch sử do chính Người chuẩn bị, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của một nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Ngày Tết Độc lập đầu tiên ấy mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước quật cường của dân tộc như một ngày chói lọi nhất. Từ đây, nước nhà có độc lập, người Việt Nam được tự do.

Suốt 74 năm qua, để giữ gìn sự độc lập, tự do ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn thể dân tộc Việt Nam đã phải trải qua những cuộc kháng chiến vĩ đại, đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước, thống nhất giang sơn. Trong những cuộc chiến tranh vệ quốc lâu dài và gian khổ ấy, biết bao người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống. Trên khắp dải đất hình chữ S thiêng liêng này, nơi đâu cũng có những người hy sinh vì nước, vì dân.

Cái giá của độc lập, tự do không gì đong đếm được bởi nó được hình thành bằng chính máu xương của cha ông, hết thế hệ này đến thế hệ khác đem thân mình ra để giành lấy và gìn giữ. Vì thế, giá trị ấy càng trở nên linh thiêng đúng như những vần thơ Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết: “Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt!/ Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng/ Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông”.

Và cũng chính vì thế, mà Tết Độc lập là ngày mà dọc từng những con phố nhỏ cho đến những con đường rộng lớn, từ Thủ đô cho đến các miền quê xa xôi - đâu đâu cũng tràn ngập sắc đỏ của lá cờ Việt Nam. Niềm vui của Ngày Quốc khánh - Tết Độc lập hiện diện từ ánh mắt, nụ cười, gương mặt của bao thế hệ người Việt Nam suốt hơn bảy thập niên qua. Bởi ai cũng hiểu rằng, ngày Tết đặc biệt ấy là thành quả cách mạng vĩ đại do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là hạnh phúc của người dân Việt Nam. Vậy nên, bổn phận của mỗi người dân là làm cho niềm hạnh phúc ấy ngày càng lan tỏa. Màu đỏ của lá cờ thắm máu cha ông trở thành một động lực, niềm tin nâng bước chúng ta vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

74 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam luôn đoàn kết một lòng phấn đấu, không ngại hi sinh, gian khổ, kiến thiết và làm chủ vận mệnh của đất nước. Kinh tế tăng trưởng nhanh, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, tình hình chính trị, trật tự xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Vị thế đất nước không ngừng được nâng cao, mở ra những triển vọng ngày càng tốt đẹp.

Đặc biệt, hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tích cực chuẩn bị những công việc cần thiết tiến tới tổ chức đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Và điều đáng mừng là những gì Ðảng, Nhà nước đã làm được, kể từ Ðại hội XII trong việc thống nhất và tập trung làm trong sạch bộ máy, loại trừ tham nhũng, khắc phục yếu kém, khơi dậy tiềm năng và ý chí phát triển, đang dấy lên niềm hy vọng vào một cơ hội mới, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân.

Chúng ta tự hào với tất cả những gì chúng ta đã đạt được, song cũng không khỏi trăn trở, day dứt trước những gì chúng ta chưa làm được hoặc làm chưa trọn vẹn. Điều này đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ tại Lễ kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019) và 50 năm Người đi xa (2/9/1969 - 2/9/2019) diễn ra ngày 30/8 mới đây.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thừa nhận: “Không ít những khuyết điểm, yếu kém và khó khăn, thách thức đang cản trở tiến trình đổi mới, xây dựng đất nước, nếu không kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, đẩy lùi sẽ đe doạ tới vận mệnh của Tổ quốc, sự sống còn của chế độ và vai trò lãnh đạo của Đảng. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực phấn đấu, ra sức phát huy ưu điểm, sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, yếu kém, tuyệt đối không chủ quan, tự mãn, không say sưa với thắng lợi, hay bi quan dao động trước thử thách, khó khăn”.

Vì vậy, người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta nêu rõ: “Ý thức được vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình, Đảng ta càng cần phải thấm nhuần sâu sắc những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn bao giờ hết, càng cần phát huy truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng ta, với quyết tâm chính trị cao, kiên quyết, kiên trì đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; chăm lo xây dựng Đảng thật trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, xứng đáng là đội tiên phong, là Đảng cầm quyền, ngang tầm nhiệm vụ”…

Ngày Quốc khánh - Tết Độc lập, mỗi người dân Việt Nam đều có quyền tự hào về thành quả cách mạng, tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, dân tộc anh hùng và cũng là dịp nhắc nhở Đảng, Nhà nước và nhân dân thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước bằng những hành động cụ thể, thiết thực..., từng bước khắc phục những hạn chế đang tồn tại.

74 năm đã qua nhưng bản Tuyên ngôn Độc lập vẫn vang vọng non sông, thấm sâu vào trái tim người Việt Nam. Mùa thu năm ấy, mùa thu cách mạng đầy hào khí sôi sục và náo nức mãi là nguồn động lực tinh thần mạnh mẽ cổ vũ quân và dân ta trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước./.

Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản

THEO DÒNG LỊCH SỬ - NGÀY NÀY NĂM ẤY

- 02/9/1945: Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

- 02/9/1969: Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần.

- 12/9/1930: Xô Viết Nghệ Tĩnh.

- 20/9/1977: Việt Nam trở thành thành viên Liên Hiệp Quốc.

- 23/9/1977: Nam Bộ kháng chiến.

- 27/9/1940: Khởi nghĩa Bắc Sơn.

- 30/9/1988: Kỷ niệm ngày mất của đồng chí Trường Chinh.

02/9/1945: Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Cách mạng tháng tám thành công, Trung ương Đảng phái đồng chí Lê Đức Thọ lên chiến khu đón chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội và nghỉ tại thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, Từ Liêm. Sau đó Người về ở nhà số 48 Hàng Ngang, Hà Nội.

Tại cuộc họp của chính phủ lâm thời, theo đề nghị của Người một chính phủ thống nhất toàn quốc thể hiện ở chính sách đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các đảng phái yêu nước và những nhân sĩ tiến bộ được thành lập.

Buổi trưa ngày 02/9/1945, tại quảng trường Ba Đình - Hà Nội, trong cuộc mít tinh của trên 50 vạn nhân dân Hà Nội và vùng lân cận chào mừng chính phủ, chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với nhân dân Việt Nam và thế giới rằng: Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ra đời. Bản tuyên ngôn độc lập khẳng định:

“Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng. Dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do… Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!...Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Tuyên ngôn độc lập do chủ tịch Hồ Chí Minh viết là sự phát triển của bản yêu cầu mà Người gửi cho hội nghị hòa bình ở Vec-xây năm 1919, là sự phát triển của chương trình Việt Minh mà người soạn thảo năm 1941. Nó là kết tinh những quyền lợi cơ bản và những nguyện vọng tha thiết nhất của dân tộc Việt Nam và nói lên tâm hồn trong sáng, khí phách hào hùng của nhân dân ta.

“Bản tuyên ngôn độc lập là kết quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trên những hải đảo xa xôi, trên những máy chém, trên chiến trường. Bản tuyên ngôn độc lập là kết quả của bao nhiêu hy vọng gắng sức và tin tưởng của hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam” (Trần Dân Tiên - những mẩu chuyện về đời hoạt động của chủ tịch Hồ Chí Minh).

Ngày độc lập 02/9/1945 là ngày hội lớn của dân tộc Việt Nam, chấm dứt chế độ thực dân phong kiến ở nước ta, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên nhân dân ta làm chủ vận mệnh của mình để thực hiện độc lập, tự do và hạnh phúc.

Từ đó, ngày 02/9 trở thành ngày quốc khánh của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 Nguồn: www.baotangtonducthang.com

12/9/1930: PHONG TRÀOXÔ VIẾT NGHỆ TĨNH

Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là đỉnh cao cao trào cách mạng năm 1930 - 1931 ở nước ta, được mở đầu bằng cuộc biểu tình kỷ niệm ngày quốc tế lao động 1/5/1930 của công nhân nhà máy Trường Thi, diêm Bến Thuỷ và nông dân cả huyện Hưng Yên, Nghi Lộc, Thanh Chương. Giặc Pháp và tay sai đã đàn áp dã man những cuộc xuống đường này.

Ngày 30/8/1930, 3.000 nông dân các huyện Nam Đàn vũ trang kéo lên huyện đốt giấy tờ, phá nhà lao. 1/9, 2 vạn công nhân Thanh Chương bao vây huyện đường. Cuộc biểu tình liên tiếp nổ ra ở Dương Châu, Can Lộc, Anh Sơn, Nghi Lộc và đỉnh cao là cuộc biểu tình ở Hưng Nguyên với sự ra đời của uỷ ban Xô Viết ngày 12/9/1930.

Khí thế của cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã nhanh chóng lan rộng trong cả nước. Chỉ trong tháng 9 và tháng 10 năm 1930, cả nước có 362 cuộc đấu tranh. Sự xuất hiện các Xô Viết làm chức năng chính quyền cách mạng do giai cấp công nhân lãnh đạo đã phát triển ở nhiều vùng rộng lớn trong 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.

Ngày 19/2/1931, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong báo cáo gởi lên ban chấp hành Quốc Tế Cộng Sản về cuộc đấu tranh ở Nghệ Tĩnh đã khẳng định: “bom đạn, súng máy, đốt nhà, dồn binh … đều bất lực không dập tắt nổi phong trào cách mạng của Nghệ Tĩnh”. Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh có thể xem là cuộc tổng diễn tập đầu tiên để tổng khởi nghĩa Tháng Tám diễn ra thành công trong cả nước.

Nguồn: lichsuvietnam                                       

CHÀO MỪNG NĂM HỌC MỚI 2019 - 2020

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

gửi thư nhân dịp khai giảng năm học mới

Nhân dịp khai giảng năm học mới 2019 - 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư chúc mừng tới ngành giáo dục. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã ghi nhận những nỗ lực phấn đấu của ngành Giáo dục trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp để đạt được kết quả tích cực, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được chuẩn hóa, chất lượng giáo dục các cấp được nâng lên.

Việc chuẩn bị cho triển khai chương trình, sách giáo khoa mới cũng được thực hiện tích cực.

Qua thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mong muốn năm học mới, các nhà trường tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, đạo đức lối sống, lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

Dưới đây là toàn văn bức thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng:

Các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên thân mến,

Nhân dịp khai giảng năm học mới 2019-2020, tôi thân ái gửi tới các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động đã và đang công tác trong ngành Giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên cả nước những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Năm học 2018-2019 đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ngành Giáo dục đã nỗ lực phấn đấu, triển khai đồng bộ các giải pháp và đạt được những kết quả tích cực; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được chuẩn hóa; chất lượng giáo dục các cấp học được nâng lên; việc chuẩn bị triển khai chương trình, sách giáo khoa mới được thực hiện tích cực; công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm được tăng cường, góp phần chấn chỉnh, duy trì kỷ cương trong hoạt động giáo dục; các đoàn học sinh, sinh viên Việt Nam tham gia thi Olympic quốc tế đạt thành tích cao, được bạn bè thế giới mến phục.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực cố gắng và những kết quả đã đạt được của ngành Giáo dục trong thời gian qua.

Năm học mới 2019-2020, ngành Giáo dục cần tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục và đào tạo, nhất là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua; tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu của năm học và kế hoạch 5 năm 2016-2020.

Tôi mong các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tâm huyết với nghề, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người”; mong các em học sinh, sinh viên tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, “tôn sư, trọng đạo” của dân tộc, noi theo các thế hệ cha anh đi trước, phấn đấu học tập tốt, rèn luyện tốt để sau này trở thành những người vừa “hồng”, vừa “chuyên” như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chúc các thầy giáo, cô giáo, cán bộ  quản lý, người lao động ngành Giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên đạt được nhiều thành tích hơn nữa trong năm học mới.

Chào thân ái!            

                                                                                          NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam

Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

BÀI HÁT THANH NIÊN

Chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên thanh niên lời bài hát:

Thanh niên Việt Nam

Sáng tác: Phạm Đăng Khương

Từ Lạng Sơn cho đến Cà Mau 
Từ đảo xa cho đến rừng sâu 
Những chiếc áo xanh 
Cùng về đây như anh em một nhà. 
Từ làng quê cho đến thành đô 
Vì ngày mai no ấm tự do 
Thanh niên chúng ta là bài ca đi xây cuộc đời. 
Thanh niên Việt Nam đoàn kết sáng tạo! 
Thanh niên Việt Nam lập thân kiến quốc. 
Triệu cánh tay thi đua tình nguyện
Triệu trái tim từ khắp mọi miền 
Cùng sát vai cùng chung ý chí. 
Thanh niên Việt Nam về biển về rừng 
Quê hương chờ ta ngại chi gian khó, 
Bước tiếp bước cha anh ngày nào 
Hát khúc hát thanh niên tự hào 
Đất nước cần là có chúng ta đi đầu.

Nhạc thanh niên
Thư viện hình ảnh