Vắng khám nghĩa vụ quân sự: Những lý do chính đáng để không bị phạt
1. Yêu cầu về lý do chính đáng trong vắng khám nghĩa vụ quân sự
Theo Điều 6 Nghị định 120/2013/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 37/2022/NĐ-CP) quy định về về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự như sau:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.
- Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;
+ Đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2.000.000 đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
- Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
Như vậy, trong trường hợp mà không lý do chính đáng thì người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm việc kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.
2. Vắng khám nghĩa vụ quân sự: Những lý do chính đáng để không bị phạt
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 07/2023/TT-BQP ngày 27/01/2023 hướng dẫn thực hiện Nghị định 120/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu và Nghị định 37/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu.
Theo đó, lý do chính đáng theo Điều 4 Thông tư 07/2023/TT-BQP gồm:
- Người phải thực hiện việc kiểm tra hoặc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự; khám sức khỏe tuyển chọn sĩ quan dự bị; chấp hành lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi đi đào tạo sĩ quan dự bị; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu (sau đây viết gọn là người thực hiện nghĩa vụ quân sự) nhưng bị ốm đau, tai nạn hoặc trên đường đi bị ốm đau, tai nạn phải điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
(So với hiện hành tại Thông tư 95/2014/TT-BQP đã bỏ quy định với đối tượng người phải thực hiện việc sơ tuyển nghĩa vụ quân sự; bổ sung quy định về trường hợp bị tai nạn và quy định về phải điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi trên đường đi bị ốm đau, tai nạn.)
- Thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự, gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ hoặc cha chồng, mẹ chồng; cha nuôi, mẹ nuôi; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp bị ốm đau, tai nạn nặng đang điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
(So với hiện hành, bổ sung đối tượng là cha nuôi, mẹ nuôi và quy định về việc thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự bị ốm đau, tai nạn nặng đang điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.)
- Thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Thông tư 07/2023/TT-BQP này chết nhưng chưa tổ chức tang lễ hoặc tang lễ chưa kết thúc.
(So với hiện hành, bổ sung quy định về thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự chết nhưng tang lễ chưa kết thúc.)
- Nhà ở của người thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc nhà ở của thân nhân người thực hiện nghĩa vụ quân sự quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Thông tư 07/2023/TT-BQP nằm trong vùng đang bị thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.
(So với hiện hành, bổ sung quy định về ảnh hưởng nghiêm trọng.)
- Người thực hiện nghĩa vụ quân sự không nhận được lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự; khám sức khỏe tuyển chọn sĩ quan dự bị; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi đi đào tạo sĩ quan dự bị;
Lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu; hoặc có nhận được lệnh, nhưng trong lệnh không ghi rõ thời gian, địa điểm do lỗi của người hoặc cơ quan có trách nhiệm, hoặc do người khác có hành vi cản trở được quy định tại Điều 7 Thông tư 07/2023/TT-BQP.
(Bỏ quy định về trường hợp không nhận được giấy gọi sơ tuyển nghĩa vụ quân sự; bỏ quy định về hành vi gây khó khăn của người khác.)
Thông tư 07/2023/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 14/3/2023 thay thế Thông tư 95/2014/TT-BQP.