Thứ Hai, 06/05/2024

Thôn Dương Lâm 1, X. Hòa Phong, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng

Liên hệ

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

Theo dấu chân Bác

VÀI NÉT VỀ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỚI CHIẾN LƯỢC TRỒNG NGƯỜI

07/08/2023

Ngay từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã nêu ra yêu cầu tất yếu để xây dựng một xã hội mới, chế độ mới tốt đẹp hơn – Chủ nghĩa xã hội đó chính là yếu tố con người, Hồ Chí Minh cho rằng: “vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả, Người cũng khẳng định: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”, theo Hồ Chí Minh những con người xã hội chủ nghĩa này phải hội đủ 2 yếu tố đó là “vừa hồng, vừa chuyên”, nói rộng ra đó thực chất chính là hai mặt đức và tài, trong đó Hồ Chí Minh coi đạo đức là gốc, là nền tảng, là yếu tố căn cốt của con người mới và là nhân tố thể hiện sự ưu việt của chủ nghĩa xã hội (trong khi đó, Giáo sư lại cho rằng tài mới là quan trọng và là vấn đề chủ yếu!).

Vậy, muốn có những con người xã hội chủ nghĩa thì cần phải làm gì? Hồ Chí Minh cho rằng: “vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, muốn có những con người đủ đức, đủ tài để đảm đương nhiệm vụ trọng đại của dân tộc thì phải tiến hành “trồng người” đó là lợi ích trăm năm, là kế sách lớn cho sự phát triển.

Trong bản Di chúc lịch sử Người để để lại cho toàn Đảng và toàn dân ta, Hồ Chí Minh yêu cầu công việc đầu tiên mà Đảng phải làm sau khi đã “chỉnh đốn” lại đó là “công việc đối với con người”, trong đó Hồ Chí Minh đã căn dặn “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”. Để làm được điều đó thì Người cho rằng “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến lược “trồng người”, rất toàn diện và sâu sắc. Tùy từng thời kỳ và nhiệm vụ cách mạng khác nhau, Hồ Chí Minh lại đặt ra những yêu cầu khác nhau về công tác trồng người. Nhưng tựu chung lại có thể khái quát thành những nội dung lớn sau đây:

Thứ nhất, chiến lược trồng người phải làm sao đào tạo được những con người có đạo đức cách mạng, đó là lòng trung thành với Tổ quốc và Nhân dân, không ngừng bồi dưỡng, trau dồi những phẩm chất đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, có lòng yêu thương con người và tinh thần quốc tế vô sản, có ý thức và tinh thần làm chủ tập thể “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, đồng thời Hồ Chí Minh cũng yêu cầu phải đấu tranh chống lại những căn bệnh do chủ nghĩa cá nhân sinh ra như tham ô, lãng phí, quan liêu. Theo Hồ Chí Minh, đó chính là một thứ giặc nguy hiểm, giặc nội xâm, giặc ở trong lòng, nó phá hoại sự nghiệp của chúng ta từ bên trong, nó là “kẻ địch nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội” vì vậy phải kiên quyết “quét sạch”.

Thứ hai, chiến lược trồng người là phải tạo nên những con người có ý chí học hỏi, cầu tiến bộ, không ngừng vươn lên làm chủ những thành tựu văn hóa, khoa học kỹ thuật, những hiểu biết mới của thời đại. Trong “Thư gửi các học sinh” nhân ngày khai trường năm 1945, Người đã chỉ ra nhiệm vụ cho thế hệ trẻ đó là “phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta”, để “cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu”, đó là một trách nhiệm rất nặng nề song cũng vô cùng vẻ vang. Trong nhiệm vụ vẻ vang giáo dục, đào tạo ấy, Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng và Nhà nước phải hết sức quan tâm, chú ý vì đó là tiền đồ, là tương lai của dân tộc. Hồ Chí Minh cho rằng nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ trong sự nghiệp cách mạng to lớn ấy là “cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào đạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.

Theo Hồ Chí Minh, sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội chưa phải là ở lý tưởng cao xa, ở mức sống vật chất dồi dào, ở tư tưởng được tự do giải phóng, mà trước hết là ở những giá trị đạo đức cao đẹp, ở phẩm chất của những người cộng sản luôn sống và chiến đấu cho lý tưởng đó của loài người thành hiện thực. Trong bài nói chuyện tại buổi lễ khai mạc Đại học Nhân dân Việt Nam ngày 19/1/1955 Người đã chỉ ra nhiệm vụ của thế hệ trẻ trong thời kỳ kiến thiết nước nhà xây dựng chế độ mới đó là “không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”, vì vậy, thế hệ trẻ phải có trách nhiệm với sự tồn vong, hưng thịnh của dân tộc.

Thứ ba, chiến lược trồng người phải tạo nên những con người có tinh thần tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo, “Phải có quyết tâm, đã làm việc gì thì làm cho đến nơi đến chốn, làm cho kỳ được. Phải có lòng ham tiến bộ, ham học hỏi, học luôn, học mãi. Học văn hoá, học chính trị, học nghề nghiệp”. Đó là những con người phải nhạy bén với cái mới, biết vận dụng nó vào thực tế công tác để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Đồng thời, đó phải là những con người “có chí tự động, tự cường, tự lập, phải có khí khái ham làm việc, chứ không ham địa vị”. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu thế hệ trẻ phải hết sức tránh xa ba sự ham muốn đó là ham muốn về tiền tài, danh vọng và quyền lực, Người còn cho rằng “thanh niên cần phải chống tâm lý tự tư, tự lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình. Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc. Chống thói xem khinh lao động nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng, xa xỉ. Chống cách sinh hoạt ủy mị, chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang”, có làm được như thế thì “mới xứng đáng thanh niên là chủ nhân tương lai của nước nhà”.

Hồ Chí Minh căn dặn thế hệ trẻ phải chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện không ngừng các phẩm chất của đạo đức cách mạng đó là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, những tác phong đẹp đẽ của đạo đức như khiêm tốn, giản dị, siêng năng, gan dạ, sáng tạo và những đức tính tốt đẹp như trung thành, thật thà, chính trực. Hồ Chí Minh đã đặt trọn niềm tin và sự kỳ vọng vào thế hệ trẻ. Người khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”, “nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. Với Hồ Chí Minh, tiền đồ và tương lai của dân tộc Việt Nam gắn bó chặt chẽ với tiền đồ và tương lai của đội ngũ thanh niên.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến lược trồng người là một hệ thống quan điểm chặt chẽ, phong phú, hợp logic trong tiến trình phát triển tư tưởng của Người. Tư tưởng đó vừa thể hiện tính khoa học, vừa mang tính cách mạng và là một nội dung quan trọng trong toàn bộ hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, một đóng góp quan trọng trong kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin về con người và giải phóng con người.

Sự nghiệp đổi mới đã đi qua được 35 năm, chúng ta đã giành được những thắng lợi to lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, vị thế của đất nước không ngừng được tăng cao trên trường quốc tế, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao rõ rệt. Tuy vậy, tiềm năng và tiềm lực của chúng ta vẫn còn rất lớn để có thể phát triển hơn nữa, nhất là nguồn lực con người, nguồn lực quyết định. Trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng xã hội XHCN, việc đổi mới toàn diện để phát huy những tiềm năng tiềm lực đó là yêu cầu khách quan và không thể khác, nhưng đổi mới toàn diện không bao giờ là phủ nhận sạch trơn!

Chiến lược trồng người theo tư tưởng Hồ Chí Minh bao hàm đầy đủ cả Tài và Đức, cả “Văn” và “Lễ”. Muốn có một thế hệ tương lai xứng đáng gánh vác các trọng trách lớn lao của dân tộc, của giang sơn gấm vóc, đưa Việt Nam thực sự “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà, đó là những con người phải có cả đạo đức và tài năng, những người thực sự xứng đáng gánh vác những tiền đồ to lớn mà thế hệ cha ông đã để lại. Trong sự nghiệp vĩ đại đó, Đảng, Chính phủ và Nhân dân phải có trách nhiệm đối với SỨ MỆNH TRỒNG NGƯỜI. Đó là một trách nhiệm nặng nề, nhưng rất vẻ vang. Mong mọi người phải cố gắng làm trọn nhiệm vụ”!

Bài viết cùng danh mục
Đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ để phát triển hợp tác xã
29/10/2023
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hợp tác xã 2023 (gọi tắt là dự thảo Nghị định).
Đổi mới chính sách tiền lương đối với công chức, viên chức để phòng chống tham nhũng
18/10/2023
Ngày 11/10/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 168/NQ-CP về Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2023.
Hòa bình không bao giờ đến dễ dàng
17/10/2023
Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc tới trường của các em học sinh miền Bắc trước năm 1975. Những chiếc mũ mà các em đội trên đầu được làm bằng rơm khô đan dày và chặt và thường có nhiều tầng lớp... Những...
Không kiểm điểm đảng viên mới kết nạp chưa đủ 6 tháng
11/10/2023
Ngày 04/10/2023, Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy định 124-QĐ/TW về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.
Nhạc thanh niên
Thư viện hình ảnh