Theo dấu chân Bác
Tận tụy vì học sinh miền núi
05/06/2021
27 năm giảng dạy tại địa bàn miền núi, cô giáo Lê Thị Chanh, Giáo viên Trường Tiểu học Hòa Phú đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng đồng nghiệp, học sinh bởi sự thân thiện, gần gũi trong sinh hoạt, năng nỗ, nhiệt tình và sáng tạo trong công tác dạy học. Cô không chỉ tự tay làm các công cụ hỗ trợ bằng những phế phẩm sinh hoạt hằng ngày để vận dụng vào thực tiễn giảng dạy mà còn chú trọng dạy học cho từng đối tượng học sinh - phụ đạo cho học sinh yếu và bồi dưỡng học sinh năng khiếu.
Năm 1993, cô Chanh tốt nghiệp hệ Cao đẳng tại Trường Đại học sư phạm – Đại học Đà Nẵng và được phân công trực tiếp giảng dạy tại Trường Tiểu học Hòa Phú cho đến nay. Hằng ngày, cô làm một chuyến đi khứ hồi từ thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong, lên Hòa Phú nhưng suốt 27 năm qua, cô luôn hoàn thành xuất nhiệm vụ của một nhà giáo hết lòng vì học sinh thân yêu.
Ở Hòa Phú, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên mức độ tiếp cận bài giảng của học sinh nơi đây hạn chế hơn so với các bạn cùng trang lứa ở các xã đồng bằng. Vì vậy, những học sinh chậm tiếp thu bài giảng, có học lực yếu, cô dành riêng khoảng thời gian cố định để kèm cọc, giúp đỡ. Ngoài việc dạy chuẩn kiến thức chung, trong các tiết kiểm tra, những học sinh có học lực khá, giỏi thì hoàn thành bài tập sớm hơn thời gian quy định, khoảng thời gian còn lại, cô đưa ra các bài tập toán nâng cao, các bài đọc thêm Tiếng Việt để bồi dưỡng, rèn luyện. Và, để có những bài tập đó, cô đã phải tự biên soạn giáo án ở nhà trước khi đến lớp để kịp thời cung cấp cho các em.
Năm học 2012-2013, mô hình “Trường học mới” được áp dụng điểm tại Trường Tiểu học Hòa Phú. Đây là mô hình dạy học theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm, học tập mang tính tương tác, chuyển việc truyền thụ của giáo viên thành việc hướng dẫn cho học sinh tự học và lớp học do học sinh tự quản.
Để thực hiện mô hình này, cô Chanh đã tự tay xây dựng các góc học tập Toán, góc Tiếng Việt, góc nội quy lớp, góc cộng đồng… bằng những phế phẩm sinh hoạt hằng ngày như giấy, hộp nhựa, gỗ tạp. Ở mỗi góc học đều chứa đựng nhiều nội dung quan trọng. Góc học tập Toán thì có các công thức, những nội dung ghi nhớ về Toán; góc Tiếng Việt thì có những bài viết hay của học sinh trong lớp để giờ ra chơi, các em có thể đến các góc học tập nghiên cứu, tham khảo.
Riêng góc cộng đồng, cô tự tay thiết kế các vật dụng là công cụ trong lao động sản xuất, các sản vật ở địa phương và trưng bày nhiều hình ảnh là địa danh du lịch, văn hóa, lịch sử nổi tiếng tại địa phương nhằm nâng cao kiến thức, gieo vào lòng các em niềm tự hào về truyền thống quê hương, xứ sở. Cô Lê Thị Chanh chia sẻ, với phương pháp này, học sinh cơ bản đã thay đổi được thói quen học tập, các em tự nghiên cứu tìm hiểu kiến thức trong bài qua tài liệu hướng dẫn học. Những kiến thức khó, các em trao đổi với bạn trong nhóm và mạnh dạn trao đổi vướng mắc với giáo viên. Qua đó, các em phát huy tính độc lập, chủ động tiếp thu và hiểu sâu sắc hơn các kiến thức trong bài học.
Cô giáo Nguyễn Thị Hòa, người có thâm niên 30 năm giảng dạy tại Trường Tiểu học Hòa Phú, nhìn nhận: “Cô Lê Thị Chanh là giáo viên mẫu mực cho nhiều giáo viên trẻ học tập và noi theo. Đi lại xa xôi là thế nhưng cô luôn nhiệt tình giúp đỡ đồng nghiệp khi cần, sống gần gũi, thân thiện và có nhiều sáng tạo trong công tác dạy học”.
Cô giáo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Tâm chia sẻ thêm: “Phát huy tinh thần gương mẫu, tận tụy của người đảng viên, nhiều năm qua, cô Lê Thị Chanh luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ ở nhiều vị trí khác nhau như chủ nhiệm lớp 4/3, Tổ trưởng chuyên môn Tổ 4 kiêm Chủ tịch Công đoàn nhà trường. Các năm học 2014-2015, 2016-2017 và 2018-2019 cô được công nhận là giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp thành phố năm 2016”.
Là một đảng viên, thực hiện tốt nội dung đã đăng ký về thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong việc “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cô luôn trau dồi phẩm chất đạo đức, giữ gìn uy tín, danh dự của nhà giáo; có lối sống lành mạnh, giản dị, khiêm tốn, gương mẫu trước học sinh. Cô luôn trung thực, nói đúng sự thật, nói đi đôi với làm nên có uy tín đối với đồng nghiệp cũng như đối với học sinh và phụ huynh học sinh.
Không chỉ giỏi việc nước, cô giáo Lê Thị Chanh còn đảm việc nhà vì đã cùng chồng nỗ lực nuôi dạy 2 cô con gái chăm ngoan, học giỏi. Con gái đầu Nguyễn Thị Thanh Thúy hiện là sinh viên năm thứ sáu Trường Đại học Y Đà Nẵng, người còn lại Nguyễn Thị Anh Thư là học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng). Đây chính là nguồn động lực to lớn để cô tiếp tục tròn vai trong gia đình và ngoài xã hội.
Phương Tấn
Bài viết cùng danh mục
05/04/2022
Thể thao truyền thống là một bộ phận quan trọng trong nền văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam và có sức ảnh hưởng nhất định trong đời sống tinh thần của nhân dân ta, gắn liền với cuộc sống lao...
28/03/2022
Để thực hiện có hiệu quả và thực chất chủ trương xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối...
26/03/2022
Vận mệnh của quốc gia, dân tộc thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên - những người có trách nhiệm thực hiện sứ mệnh lịch sử vẻ vang mà các thế hệ cha anh đã chuyển giao cho mình....
17/03/2022
Kỷ niệm 80 năm Bác Hồ viết tác phẩm "Lịch sử nước ta" là dịp để chúng ta ghi nhớ công ơn của Người đã dành cả cuộc đời cho độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, và cũng là dịp để chúng ta luôn...
Tin mới nhất
Nhạc thanh niên
Thư viện hình ảnh
Nghề nghiệp - việc làm