Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Ảnh hưởng lợi ích căn cốt mỗi người dân
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, chiều 6/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Ảnh hưởng căn cốt lợi ích mỗi người dân
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cảm ơn các ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu Quốc hội trong quá trình xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Bộ trưởng khẳng định đây là dự án luật khó, liên quan đến vấn đề chuyên môn sâu, đối tượng tác động rộng, ảnh hưởng căn cốt lợi ích mỗi người dân, chịu sự ràng buộc của nhiều dự án luật khác. Cơ quan soạn thảo đã quán triệt nguyên tắc lấy người bệnh làm trung tâm, tiếp thu đầy đủ trên tinh thần cầu thị ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật đạt chất lượng cao nhất, trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Đối với vấn đề liên quan đến việc kiểm soát chất lượng người hành nghề, Bộ trưởng cho biết đây là vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến chất lượng hành nghề, tính mạng người bệnh. Qua tham khảo kinh nghiệm, mô hình từ nhiều nước phát triển, trong dự thảo Luật đã có các quy định về kiểm tra đánh giá năng lực, bảo đảm sự an toàn của người bệnh, nâng cao chất lượng đào tạo y tế.
Nội dung liên quan đến Hội đồng y khoa quốc gia là nội dung mới, cụ thể hóa Nghị quyết 20, giúp việc đánh giá năng lực hành nghề đạt được chuẩn chung của quốc gia, quy định này cũng nhận được sự thống nhất cao của các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng như của các đại biểu Quốc hội. Về thời hạn giấy phép hành nghề, để giải quyết bất cập trong luật cũ, dự thảo luật lần này quy định giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm kể từ ngày cấp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngành y, bảo đảm lực lượng này liên tục cập nhật kiến thức, kỹ năng hành nghề, hạn chế sai sót xảy ra, giúp đội ngũ cán bộ y tế nâng cao trình độ, tiệm cận các tiêu chuẩn chung của quốc tế.
Liên quan đến nội dung về tự chủ trong cơ sở y tế công lập, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, dự thảo Luật quy định chung một số vấn đề mang tính nguyên tắc để có định hướng triển khai thực hiện, tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các cơ sở y tế. Với tầm nhìn lâu dài, Chính phủ sẽ xem xét trình Quốc hội luật riêng về việc thực hiện tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập, ở các lĩnh vực như giáo dục, y tế… qua đó sẽ đưa ra hành lang pháp lý rõ ràng, giải quyết các tồn tại, hạn chế đã tồn tại nhiều năm trong vấn đề này ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng giải trình một số vấn đề các đại biểu đã nêu về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Bộ trưởng cũng nêu rõ, việc thông qua dự án Luật trong kỳ họp này là rất quan trọng đối với ngành y tế, để khắc phục những khó khăn, bất cập từ luật hiện hành, giúp Chính phủ có đủ thời gian tham khảo ý kiến của các bên liên quan, xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa các nội dung Quốc hội đã thông qua; tạo tiền đề xây dựng các luật khác liên quan đến phòng bệnh, bảo hiểm y tế, cấy ghép mô…
Bộ trưởng mong muốn các đại biểu Quốc hội ủng hộ Chính phủ trong việc sớm thông qua dự án luật quan trọng này.
Chiều 6/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) - Ảnh: VGP/HL
Đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đã có 22 đại biểu đăng ký phát biểu, các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm, tinh thần xây dựng. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, qua thảo luận, nhiều ý kiến đánh giá cao cơ quan trình, cơ quan thẩm tra về tinh thần trách nhiệm, khẩn trương phối hợp chặt chẽ trong quá trình soạn thảo, nghiêm túc tiếp thu ý kiến góp ý. Tuy nhiên, đây là dự án luật có tác động đến nhiều đối tượng, nhiều chính sách và tính chuyên môn cụ thể. Vì vậy, phiên thảo luận tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội góp ý về những vấn đề chung, cũng như những vấn đề cụ thể xuất phát từ thực tiễn.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận và gửi đến đại biểu Quốc hội, các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, tiếp thu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật và xin lý kiến Quốc hội, bảo đảm yêu cầu chất lượng, khả thi, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn và tính ổn định khi được Quốc hội thông qua.