Thứ Năm, 16/05/2024

Thôn Dương Lâm 1, X. Hòa Phong, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng

Liên hệ

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

Theo dấu chân Bác

Học làm báo với Bác Hồ

21/06/2021

Không chỉ là một nhà cách mạng kiệt xuất, suốt cả cuộc đời, Bác đã là một nhà báo, là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam...

Với 150 bút danh, Bác là tác giả hàng ngàn bài báo. Phong cách viết báo của Bác là một tấm gương sáng ngời tư tưởng và bản chất cách mạng của giai cấp công nhân: dùng báo chí làm vũ khí đấu tranh cách mạng; viết báo là để tuyên truyền, vận động cách mạng; viết báo cho quảng đại quần chúng cùng đọc, văn phong giản dị, chính xác, trong sáng...

1

Tranh châm biếm trên báo Người cùng khổ do Nguyễn Ái Quốc vẽ

Buổi đầu đi tìm đường cứu nước, khi hoạt động tại Pháp, Bác là người sáng lập báo Le Paria (Người cùng khổ). Vừa là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, vừa là cây bút chính của tờ báo, Bác đã viết nhiều bài lên án chủ nghĩa thực dân, hô hào, hướng dẫn nhân dân các nước thuộc địa cùng nhau đoàn kết đứng lên giải phóng dân tộc.

Sáng lập báo Thanh niên (21-6-1925) xuất bản tại Quảng Châu, Trung Quốc đưa về nước, Bác hướng tôn chỉ mục đích của tờ báo vào nhiệm vụ tuyên truyền, giác ngộ, vận động các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ thanh niên phải đoàn kết đứng lên cứu nước, cứu nhà, tự đem sức ta mà giải phóng cho ta.

Thời gian làm Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Bác viết báo biểu dương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, cổ vũ các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua kháng chiến, kiến quốc, xây dựng con người mới, bài trừ thói hư, tật xấu...

Bác dạy chúng ta viết báo là để cho nhân dân đọc, trong đó công nông chiếm đa số, trình độ học vấn chưa cao, nên bài viết phải ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu; không nên viết theo lối “bác học”, sính dùng chữ nghĩa cầu kỳ, sáo rỗng, vay mượn, lạm dụng từ ngữ nước ngoài...

Trong một chuyến về thăm bà con nông dân ngoại thành Hà Nội đang vào mùa gặt rộ, đông đảo nữ sinh trường Trưng Vương về lao động giúp dân, Bác động viên các học sinh: ”Các cô tiểu thư Hà Nội lao động có thành tích thì chú nhà báo nầy (Bác chỉ phóng viên báo Thủ Đô) sẽ viết tin đăng lên báo của thành phố, Bác đọc báo, sẽ khen thưởng các tiểu thư”. Bác quay sang dặn nhà báo: ”Chú viết đầy đủ, không được để sót. Bác bảo chú viết đầy đủ, chứ không phải viết dài. Bài viết dài thì ai cũng ngán đọc”.

Năm 1948, trong dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, Bác đến thăm nhà máy cơ khí Hà Nội, dừng lại chăm chú xem tờ báo tường của cán bộ, công nhân nhà máy. Bác chỉ tay vào bài báo nhan đề “Ngày mai trời lại sáng” và hỏi một người đứng gần: “Thành phố giải phóng đã mấy năm rồi?”. Có người thưa rằng đã gần bốn năm, Bác liền nói: “Thế thì bài báo nầy viết không đúng. Trời đã sáng lâu rồi, sao lại phải đến ngày mai. Vậy hiện giờ là đêm tối à?”.

Một lần khác, Bác đến thăm khu triển lãm Vân Hồ, dừng lại xem ảnh tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội qua cầu Long Biên trên báo Thủ Đô, Bác hỏi bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch thành phố: ”Tấm ảnh nầy tốt. Nhưng sao lại không để tên người chụp?”. Bác nói thêm: ” Báo chí, nhất là báo hằng ngày phải có nhiều ảnh tư liệu để khi cần là có thể dùng ngay. Đăng ảnh phải đề rõ tên người chụp hoặc ghi là lấy ở đâu”...

Một lần dự họp Quốc hội, nghe Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước, nêu những con số tăng phần trăm “so với trước”, Bác mỉm cười hỏi một cán bộ lãnh đạo ngồi cạnh: “Chẳng so với trước thì so với sau à?”. Bài học về những thời điểm cụ thể, không chung chung trong báo chí được Bác truyền thụ như thế.

Nêu cao trách nhiệm xã hội về bài báo mình viết, khi nào Bác cũng rất cẩn trọng, đắn đo suy nghĩ từng nội dung, từng ý tứ, từng câu chữ sao cho quần chúng nhân dân hiểu và quan tâm đọc. Những ngày đầu viết báo, muốn có một bài báo tốt, Bác phải sửa đi, sửa lại nhiều lần, lúc đầu viết dài, sau ngắn dần, rút ngắn đến mức tối đa, nhưng vẫn bảo đảm đầy đủ những nội dung quan trọng, cần thiết, thể hiện bằng văn phong ngắn gọn, trong sáng, dễ hiểu, dễ nhớ. Đã thành thói quen, kể cả lúc làm Chủ tịch nước, viết xong một bài báo, Bác thường đem đọc cho những người xung quanh kể cả nhân viên phục vụ nghe, góp ý kiến; thấy chỗ nào có người không hiểu hoặc hiểu chưa đúng thì Bác sửa ngay.

Năm 1949, Tổng bộ Việt Minh mở lớp học viết báo cách mạng đầu tiên ở nước ta mang tên Lớp Báo chí Huỳnh Thúc Kháng. Trong thư gửi lớp học, Bác viết: ”Có thể ví dụ rằng, ba tháng nay, các bạn đã học cửu chương. Còn muốn giỏi các phép tính, thì cần phải học nữa, phải học mãi. Học ở đâu, học với ai? Học trong xã hội, học nơi công tác thực tế, học ở quần chúng. Nếu các bạn viết báo mà quần chúng hiểu, quần chúng ham đọc, quần chúng khen hay, thế là các bạn tiến bộ. Trái lại, là các bạn chưa thành công”.

Bác ân cần căn dặn: ”Muốn viết báo thì cần: gần gũi quần chúng, ít nhất phải biết một thứ tiếng nước ngòai, luôn luôn gắng học tập, luôn luôn cầu tiến bộ...”.

theo vietbao.vn

Bài viết cùng danh mục
Đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ để phát triển hợp tác xã
29/10/2023
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hợp tác xã 2023 (gọi tắt là dự thảo Nghị định).
Đổi mới chính sách tiền lương đối với công chức, viên chức để phòng chống tham nhũng
18/10/2023
Ngày 11/10/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 168/NQ-CP về Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2023.
Hòa bình không bao giờ đến dễ dàng
17/10/2023
Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc tới trường của các em học sinh miền Bắc trước năm 1975. Những chiếc mũ mà các em đội trên đầu được làm bằng rơm khô đan dày và chặt và thường có nhiều tầng lớp... Những...
Không kiểm điểm đảng viên mới kết nạp chưa đủ 6 tháng
11/10/2023
Ngày 04/10/2023, Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy định 124-QĐ/TW về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.
Nhạc thanh niên
Thư viện hình ảnh