Nhìn thẳng-Nói thật: Phải khuôn phép với chính mình
Tạo hóa tưởng như có lúc bất công với người này người khác, nhưng xét về mặt tổng thể xã hội và suy cho cùng thì tạo hóa lại tương đối công bằng đối với loài người.
Không ngẫu nhiên mà mở đầu tác phẩm Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du đã viết: “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau/ Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng/ Lạ gì bỉ sắc tư phong/ Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”.
“Bỉ sắc tư phong” là cụm từ chữ Hán, được rút gọn từ câu “Phong ư bỉ, sắc ư thử” (bỉ: Kia; sắc: Keo bẩn; tư: Ấy; phong: Dồi dào). Điều đó nghĩa là cái kia kém thì cái này hơn. Hay cũng có thể hiểu là được hơn điều này thì bị kém điều kia. Suy rộng ra, cuộc sống không bao giờ hoàn hảo, cuộc đời cho mình được hưởng cái này mà thiếu khuyết cái kia cũng là lẽ thường tình. Thế nên, dưới góc nhìn của Nguyễn Du, hồng nhan dễ gắn với bạc mệnh (Thúy Kiều là điển hình) và “Chữ tài liền với chữ tai một vần” (Từ Hải là điển hình). Một con người như Từ Hải “Chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” mà chỉ vì chủ quan, sơ sểnh một chút nên rơi vào thảm cảnh chết đứng như trời trồng!
Chúng ta không sa vào mê tín về “chữ tài, chữ mệnh” theo quan niệm phong kiến cổ xưa, nhưng từ ý tứ uyên thâm của bậc đại thi hào dân tộc để lại cho hậu thế, chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc, thấu đáo nhân sinh quan cho trọn vẹn. Nhất là những người được tạo hóa ban cho tài năng và nhiều điều may mắn trong cuộc sống, sự nghiệp, đường đời thì càng phải biết khuôn phép với chính mình.
Khuôn phép là những phép tắc, chuẩn mực cần phải tuân theo để góp phần giữ gìn đạo đức gia đình và trật tự xã hội. Nhất là những người tài năng, sắc sảo, chức cao, quyền lớn trong xã hội và trong mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị thì càng phải khắc kỷ, nghĩa là kiềm chế lòng ham muốn của mình để tu dưỡng, rèn luyện và giữ gìn đức hạnh ở mọi lúc, mọi nơi.
Tại sao thời gian qua, dư luận xã hội lại phê phán những lời nói, hành vi thiếu chuẩn mực của một bộ phận văn nghệ sĩ được gọi là “người của công chúng”, thậm chí có người bị tẩy chay quyết liệt? Bởi khi đã là văn nghệ sĩ nổi tiếng, tức là tạo hóa đã ưu ái ban phước cho anh tài năng thiên bẩm về nghệ thuật-trong khi bản chất của nghệ thuật chân chính là tạo ra giá trị chân, thiện, mỹ cho xã hội-thì đương nhiên, bổn phận của người gánh vác sứ mệnh làm đẹp cho đời nhất thiết phải tự giác khuôn phép với chính mình. Không nên và không thể đơn giản nghĩ rằng, văn nghệ sĩ sống theo cảm xúc nên phát ngôn, hành xử thế nào cũng được. Có tác phẩm tốt, công trình hay mà tư cách vượt qua ngoài khuôn phép đạo đức xã hội thì anh bị công chúng chê bai, lên án cũng không có gì oan ức!
Nhìn rộng ra trong đời sống chính trị xã hội cũng vậy. Đã tự nguyện đi theo con đường quan chức, phấn đấu để đạt được vị trí này, quyền chức kia tức là anh đang ở vị thế “quan trên nhắm xuống người ta trông vào”. Nghĩa là lúc này cá nhân anh không còn của riêng mình, của riêng gia đình mình, mà con người anh đã thuộc về tổ chức, tập thể, cộng đồng, xã hội. Vì thế, hầu như mọi lời nói, cử chỉ, hành vi, việc làm, quyết sách của anh đều phải dựa trên cơ sở khuôn phép. Có chức cao quyền lớn, được nhân quần vị nể và hưởng lợi lộc hơn người mà không tự giác đưa mình vào khuôn phép đạo đức công vụ, đạo đức xã hội thì khi bị cách chức, bị xử lý hình sự cũng đừng thở than, bày trò “nước mắt cá sấu” trước thiên hạ!
Để hướng tới cuộc đời, sự nghiệp ngày càng chu toàn, hoàn thiện, có lẽ không gì hơn là nhắc lại lời thơ thấm thía của cụ Nguyễn Du đã thức tỉnh hậu thế: “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Gốc rễ thiện lương từ trong lòng mình mà ra. Đó chính là khuôn phép nhân cách căn cơ, bền vững nhất.