Thứ Tư, 11/09/2024

Thôn Dương Lâm 1, X. Hòa Phong, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng

Liên hệ

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

Hoạt động Đoàn - Hội - Đội

Đà Nẵng tháng Ba lịch sử: Hồi ức của những người trong cuộc

31/03/2023

Trong những ngày tháng 3-1975 lịch sử, tất cả quân và dân với một khí thế mạnh mẽ, tranh thủ từng phút giây để chọn cơ hội tốt nhất nhằm giải phóng Đà Nẵng trong sự nguyên vẹn của thành phố bên sông Hàn.

“Có thời cơ giải phóng Đà Nẵng ngay”

Đầu tháng 2-1975, hội nghị Đặc Khu ủy Quảng Đà đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 1975 là đánh bại cơ bản âm mưu địch, giải phóng đại bộ phận nông thôn đồng bằng, chuyển thành phố lên cao trào chính trị, chuẩn bị mọi mặt để giải phóng thành phố Đà Nẵng vào Xuân Hè năm 1976. Nhưng sau chiến thắng Tây Nguyên, do tình hình phát triển thuận lợi, Thường vụ Khu ủy V chỉ thị chuyển hướng công kích, khởi nghĩa giải phóng Đà Nẵng trong năm 1975.

Trong hồi ký của Trung tướng Lê Linh, Chính ủy Quân đoàn 2, cho biết về nội dung trao đổi của mình với Tổng Tham mưu trưởng Giáp Văn Cương qua bộ đàm nhận định về tình hình Đà Nẵng ngay sau khi ta vừa giải phóng Huế: “Chúng tôi đã bàn nhiều lần rồi nhưng cũng chưa hài lòng lắm vì nó làm chủ cả trên không và mặt biển, mà mình chỉ đánh theo một đường độc đạo thì rất khó. Nếu chiếm nhanh được đèo Hải Vân đưa pháo 130 ly lên đây rót xuống thì mới trị nổi chúng”. Có nghĩa là Quân đoàn 2 sẽ đưa pháo lên đèo Hải Vân, sẵn sàng bắn vào tàu chiến của đối phương khi chúng rút ra hướng biển Đà Nẵng.
Cũng theo Trung tướng Lê Linh, đến ngày 25-3-1975, Tổng Tham mưu trưởng Giáp Văn Cương trao đổi với ông: “Phải theo dõi nắm chắc tình hình từng giờ, từng phút, nhất là nắm chắc lực lượng của địch để nếu có thời cơ là chớp lấy ngay. Bọn mình phải rút ngắn thời gian giải phóng Đà Nẵng. Bộ Chính trị đã quyết định rồi, cú Đà Nẵng này có tính quyết định đấy”.

Quan sát diễn biến tình hình có lợi cho ta, ngày 24-3-1975, Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà triệu tập hội nghị bất thường hạ quyết tâm giải phóng Đà Nẵng. Ngay sau cuộc họp, được sự phân công của Thường vụ Đặc Khu ủy, đồng chí Trần Hưng Thừa, Thường vụ Đặc khu ủy, Bí thư quận Nhất Đà Nẵng, bí mật vào nội thành để thành lập các ủy ban khởi nghĩa, giao nhiệm vụ cho từng bộ phận. Lúc này, bộ phận chỉ đạo tiền phương của Đặc khu ủy Quảng Đà do đồng chí Trần Thận, Bí thư Đặc khu ủy, trực tiếp phụ trách, thường xuyên liên lạc với Khu ủy V và các chiến trường trong tỉnh. Tiếp đó, vào đêm 28-3-1975, tại xã Điện Hòa (Điện Bàn), Thường vụ Đặc khu ủy họp mở rộng và phân công các đồng chí lãnh đạo chỉ huy các cánh quân tiến vào thành phố và quyết định phát lệnh đồng loạt tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng.

Trong hồi ký của mình, đồng chí Trần Hưng Thừa cho biết, khi vào thành phố chỉ đạo phong trào, có một cơ sở tình báo đã báo cho đồng chí biết nội dung cuộc điện đàm giữa Nguyễn Văn Thiệu và Ngô Quang Trưởng vào sáng ngày 28-3 như sau: “Thiệu hỏi Trưởng: Tình hình Đà Nẵng như thế nào? - Đà Nẵng đã bị bao vây từ ba phía, chỉ còn đường rút là phía biển. - Nếu rút thì có thể rút được bao nhiêu? - Rút nhiều lắm là 20% lực lượng! Thiệu ra lệnh “tùy nghi di tản”. Đến 22 giờ ngày 28-3-1975, có các tiếng nổ dữ dội, đó chính là các quả pháo của ta từ đèo Hải Vân bắn trúng nơi đang họp của Ngô Quang Trưởng với cố vấn Mỹ, trực thăng của Trưởng bị hỏng nên Trưởng cùng Bộ Tham mưu và cố vấn Mỹ lên trực thăng khác chạy ra Hạm đội 7 ngay đêm 28-3”.

Mẹ ơi, quân giải phóng đã vào rồi!

Cũng đúng vào đêm 28-3-1975, sau khi trực tiếp chứng kiến cảnh hỗn loạn, xe quân sự, xe tăng, xe bọc thép, xe vận tải… chạy ngược xuôi, đèn sáng rực cả đường, lính tay dắt vợ con, súng vác ngang vai, đeo xách áo quần kéo đi đầy đường, mũ sắt quăng xuống đường, nhận định tình hình địch đang rút chạy và có thể chúng bỏ Đà Nẵng, đồng chí Trần Hưng Thừa hỏa tốc viết báo cáo gửi về Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà, bức điện như sau: “Lúc 22 giờ ngày 28-3, Ngô Quang Trưởng và Bộ Tham mưu đã bỏ chạy ra Hạm đội 7. Tổng lãnh sự Mỹ và CIA cũng đã rút hết ngày 27 và ngày 28 chúng đốt cháy Tổng lãnh sự quán. Hậu cứ Sư đoàn 3 và liên đoàn biệt động quân ở Phú Lộc cũng rút chạy. Thành phố Đà Nẵng gần như bỏ ngỏ, địch không còn sức chống cự nữa. Đề nghị Thường vụ cho phối hợp bên trong và bên ngoài giải phóng thành phố không đợi ngày 31-3. Bên trong chúng tôi đưa quần chúng nổi dậy phối hợp với lực lượng vũ trang bên ngoài giải phóng thành phố”.

Trong hồi ký, đồng chí Trần Hưng Thừa cho biết, báo cáo hỏa tốc này được gói lại cẩn thận và giao cho cơ sở cải trang, bí mật vào Điện Bàn trao cho Ban Chỉ huy Mặt trận gồm có đồng chí Trần Thận, Võ Văn Đặng và Phan Hoan. Vào buổi sáng tinh mơ ngày 29-3-1975, ngay sau khi nhận được báo cáo, Ban Chỉ huy Mặt trận bàn việc ra quân ngay tấn công vào thành phố, phối hợp với bên trong giải phóng thành phố, cuộc hành quân bắt đầu từ 9 giờ sáng.

Bên trong thành phố, sau khi Thường vụ Đặc khu ủy ra lệnh nổi dậy giải phóng theo phương châm “huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã”, đưa quần chúng nổi dậy, kêu gọi binh lính hạ vũ khí về nhà, không chống cự, ra hàng cách mạng, chiếm lĩnh các cơ quan, kho tàng, cơ quan đầu não (cơ quan phường, quận, tòa thị chính, bến cảng, nhà máy điện, nhà lao, đài phát thanh...), đồng chí Trần Hưng Thừa quyết định triệu tập ngay ủy ban khởi nghĩa các phường nội thành, các đơn vị vào sáng sớm ngày 29-3-1975 tại số nhà 245 Phan Châu Trinh.

Đến 8 giờ sáng ngày 29-3-1975, ủy ban khởi nghĩa các phường đến đông đủ, ai nấy đều phấn khởi chờ lệnh nổi dậy chiếm lĩnh địa phương, đơn vị, xí nghiệp mình phụ trách. Lệnh khởi nghĩa của tỉnh được đọc rành rọt và trang trọng trong hội nghị và phân công cụ thể cho từng đơn vị. Cuộc họp chỉ diễn ra trong 15 phút và lệnh khởi nghĩa đã ban ra, yêu cầu phải chiếm lĩnh ngay các cơ quan đầu não, chiếm lĩnh nguyên vẹn nhà máy điện giữ vững dòng điện, giải thoát nhà lao.

Trong hồi ký của mình, bà Phụng Ký cho biết, sáng 29-3-1975, khi vào thành phố, đang làm công tác vận động anh chị em giáo chức chấp thuận làm trung gian hòa giải cho cách mạng. Đang giữa cuộc trao đổi thì bỗng nghe con trai tôi gọi lớn: Mẹ ơi, quân giải phóng đã vào rồi! Chúng tôi chạy ra đứng ở lan can nhìn xuống. Trên đường, cờ nửa xanh nửa đỏ, sao vàng phất phới trên những chiếc xe chở cán bộ, bộ đội Cụ Hồ tiến vào giữa rừng cánh tay của người dân Đà Nẵng giơ cao đón chào. Tôi lặng đi, tay nắm chặt lan can trước niềm vui đến thật không ngờ. Chẳng biết tôi sẽ đứng như vậy đến bao giờ nếu không có hai thầy giáo đang đứng cạnh, gợi nhắc đến nhiệm vụ của mình”. Trưa ngày 29-3-1975, lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Tòa thị chính Đà Nẵng.

Khoảng 15 giờ ngày 29-3-1975, tiếng súng im hẳn, thành phố đã hoàn toàn giải phóng. Cùng trong buổi chiều, đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy Khu V, đã vào thành phố trong không khí hân hoan Đà Nẵng được giải phóng. Đúng 18 giờ ngày 29-3-1975, cả thành phố bật sáng bằng dòng điện của nhà máy điện Liên Trì được lực lượng nổi dậy chiếm lĩnh giữ vững và toàn thành phố sáng rực, đem lại một khí thế mới, một sức sống mới.

Cuộc sống bắt đầu trở lại, chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Mới từ ngày 31-3-1975 đông trở lại. Tin giải phóng các nơi liên tục bay về, quần chúng hồ hởi, phấn khởi càng tin tưởng nhận định của ta: Mỹ dứt khoát không trở lại, ngụy dứt khoát sụp đổ hoàn toàn. Nhịp sống nhộn nhịp, điện nước cung cấp thường xuyên, quần chúng hân hoan chào đón quân giải phóng, cướp giật không còn từ chiều ngày 29-3-1975. Vấn đề khẩn cấp tiếp theo là lo ổn định cuộc sống trong thành phố, lo bảo vệ các kho gạo, mở lại bệnh viện, chợ, đưa dân về lại quê cũ và cứu đói nhân dân, cứu đói số lính người Nam Bộ và cực Nam, cấp giấy cho về quê cũ.

Rõ ràng, qua các hồi ký của những người trong cuộc, những ngày tháng Ba lịch sử ấy như những ngày hội lớn của nhân dân Đà Nẵng. Việc giải phóng thành phố vừa được thực hiện với sức mạnh của các quả pháo để uy hiếp đối phương, vừa được thực hiện với sự hòa hợp, sự nổi dậy của quần chúng trong nội thành để bảo đảm sự nguyên vẹn của thành phố, không bị gián đoạn về cuộc sống ngay sau được giải phóng. Nhưng hãy hiểu rằng, đó là thành quả của cả một quá trình cán bộ, quân và dân ta đã nằm gai nếm mật, chịu đựng gian khổ, hy sinh trên chiến trường ác liệt Quảng Đà suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ.


 

Bài viết cùng danh mục
HÒA VANG: TẬP HUẤN KỸ NĂNG PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY NĂM 2024
20/07/2024
Ngày 20/7/2024, Ban Thường vụ Huyện Đoàn tổ chức tổ chức Tập huấn nghiệp vụ kỹ năng phòng cháy chữa cháy năm 2024 với sự tham gia của hơn 100 đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện.
SINH HOẠT CÂU LẠC BỘ LÝ LUẬN TRẺ 06 THÁNG ĐẦU NĂM 2024
18/07/2024
Ngày 18/7/2024, Câu Lạc bộ Lý luận trẻ huyện Hoà Vang tổ chức sinh hoạt 06 tháng đầu năm 2024 với chủ đề “Phát huy năng lực cán bộ Đoàn trong dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi...
Tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, biên giới cho thanh thiếu nhi năm 2024
21/05/2024
Thực hiện chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi huyện Hòa Vang năm 2024. Nhằm nâng cao nhận thức cho thiếu nhi, đội viên, đoàn viên hiểu rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển,...
TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG MA TÚY VÀ PHÒNG TRÁNH TAI NẠN THƯƠNG TÍCH CHO ĐVTN VÀ HỌC SINH NĂM 2024
13/05/2024
Ngày 13/5/2024, Ban Thường vụ Huyện Đoàn phối hợp với Trường Tiểu học số 2 Hòa Nhơn tiến tổ chức tuyên truyền Phòng chống ma túy và phòng tránh tai nạn thương tích cho ĐVTN và học sinh năm 2024.
Nhạc thanh niên
Thư viện hình ảnh