Vai trò tiên phong của thanh niên trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Trong thư “Gửi các bạn thanh niên”, Người viết: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”1. Trong quá trình xây dựng lực lượng cách mạng, Người luôn coi thanh niên là lực lượng hùng hậu, trẻ, khỏe, hăng hái nhiệt tình, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng cao đẹp của Đảng: “tính trung bình, thanh niên chiếm độ 1 phần 3 tổng số nhân dân - tức là một lực lượng to lớn. Lực lượng lớn thì phải có nhiệm vụ lớn”2. Từ quan điểm đó, Người đã tích cực tổ chức huấn luyện, phát triển lực lượng thanh niên cách mạng của nước nhà.
Tháng 7/1924, Người tham gia Đại hội quốc tế thanh niên lần thứ IV và cũng là đồng tác giả của “Bản luận cương về thanh niên thuộc địa”. Để chuẩn bị cho việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, tháng 6/1925, Người thành lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (ở Quảng Châu, Trung Quốc). Thông qua tổ chức các lớp học, Người trực tiếp thuyết giảng, bồi dưỡng cho nhiều thế hệ thanh niên về lòng yêu nước, chủ nghĩa Mác - Lênin, con đường giải phóng dân tộc... Từ cuối năm 1925 đến tháng 4/1927, dưới sự sắp xếp và lên kế hoạch cụ thể của Nguyễn Ái Quốc, 3 đoàn thanh niên gồm 75 người từ khắp nơi trên đất nước Việt Nam đến Quảng Châu, tham gia vào lớp tập huấn chính trị. Sau khi học xong, có hơn 20 người vào học tại Trường quân sự Hoàng Phố, một số được đưa về hoạt động gây cơ sở cách mạng trong nước và một số ít ở lại tham gia đấu tranh cách mạng ở Trung Quốc. Những thanh niên Việt Nam này đã nhanh chóng trưởng thành trong học tập và thực tiễn đấu tranh, trở thành nòng cốt của cách mạng Việt Nam.
Để phát huy tối đa sức mạnh, tính “tiên phong” của tuổi trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương tập hợp thanh niên trong một đoàn thể cách mạng là Đoàn Thanh niên cộng sản. Thực hiện tư tưởng của Người, chỉ sau một năm Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, ngày 26/3/1931, Đoàn Thanh niên Cộng sản ra đời. Người chỉ rõ: Tổ chức Đoàn và Hội liên hiệp thanh niên cần phải tập hợp rộng rãi các đối tượng thanh niên trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong việc hiện thực hóa các “chủ trương và chính sách cách mạng”. Bởi vì theo Người, thanh niên là lực lượng xung kích của cách mạng, là cánh tay đắc lực, đội hậu bị tin cậy của Đảng. Người viết: “Vì trong mọi công việc thanh niên ta luôn luôn hăng hái xung phong và họ xứng đáng là cánh tay đăc lực của Đảng”3. Đồng thời, thanh niên có vai trò rất lớn trong việc tổ chức, hướng dẫn, dìu dắt thiếu niên, nhi đồng, giúp các em học tập, vui chơi, lành mạnh. Người viết: “Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai”4.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, dưới sự dìu dắt của Đảng, thanh niên phải tự thân vận động, thường xuyên sáng tạo và đổi mới trong suy nghĩ và hành động, dám nghĩ, dám làm, dám hi sinh và cống hiến vì mục tiêu chung của đất nước: “Thanh niên phải xung phong đến những nơi khó khăn gian khổ nhất, nơi nào người khác làm ít kết quả, thanh niên phải xung phong đến làm cho tốt”5. Muốn vậy, thanh niên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện và học tập để làm người và phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Sự rèn luyện, tu dưỡng được thể hiện trên mọi phương diện: Trau dồi lý tưởng và đạo đức cách mạng, trau dồi nâng cao trình độ văn hóa, nghiệp vụ chuyên môn, rèn luyện ý chí và lòng dũng cảm, rèn luyện thân thể.
Vì luôn tin tưởng, kỳ vọng vào thanh niên nên Bác cũng luôn yêu cầu thanh niên phải nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu. Ngày 24/3/1961, khi nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Bác đã nhắc nhở thanh niên “Cần phải làm đầu tầu, làm gương mẫu trong phong trào thi đua yêu nước. Phải thực hiện khẩu hiệu “Đâu Đảng cần thì thanh niên có, việc gì khó thì thanh niên làm”6. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt dõi theo sự phát triển của phong trào “Ba sẵn sàng” - một trong những phong trào do Người phát động trong thanh niên. Ngày 25/3/1966, tại Lễ kỷ niệm lần thứ 35 ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ niềm tự hào, vui sướng trước những đóng góp to lớn của thanh niên với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người “thấy như mình trẻ lại, thấy tương lai của dân tộc ta vô cùng vững chắc và vẻ vang”7.
Từ chủ trương “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau”8 nhằm giáo dục cho thanh niên, sinh viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết rất nhiều bài biểu dương gương người tốt, việc tốt trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược và trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những tấm gương trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước như Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Quang Trung... Trong đấu tranh giành độc lập dân tộc như: Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Tự Trọng... Trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược như: Mạc Thị Bưởi, Ngô Gia Khảm, Nguyễn Thị Chiên, Trần Đại Nghĩa, Cù Chính Lan, Phan Đình Giót... Trong bài viết đăng trên Báo Nhân Dân, ngày 10/01/1967, Hồ Chí Minh biểu dương 111 anh hùng, trong đó có 44 thanh niên. Những bài viết của Người có tác dụng động viên nhân dân ta nói chung, thế hệ trẻ nói riêng, tích cực chiến đấu, lao động, học tập, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng.
Trên cương vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, mặc dù bận rộn muôn vàn công việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành thời gian viết thư thăm hỏi, đến dự các hội nghị, đại hội, đi thăm các trường học để gặp gỡ học sinh, sinh viên, theo dõi các phong trào của thanh niên Việt Nam nhằm khuyến khích, đề cao những thành tích, những công việc mà thanh niên đã đạt được, đồng thời cũng nhẹ nhàng phê bình, chỉ ra các thiếu sót còn tồn tại: “Ưu điểm của thanh niên ta là hăng hái, giàu tinh thần xung phong. Khuyết điểm là ham chuộng hình thức, thiếu thực tế, bệnh cá nhân, bệnh “anh hùng”. Rất mong toàn thể thanh niên ta ra sức phát triển những ưu điểm và tẩy sạch những khuyết điểm ấy. Huy hiệu của thanh niên ta là “Tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên”. Ý nghĩa của nó là: Thanh niên phải xung phong làm gương mẫu trong công tác, trong học hỏi, trong tiến bộ, trong đạo đức cách mạng. Thanh niên phải thành một lực lượng to lớn và vững chắc trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Đồng thời phải vui vẻ và hoạt bát. Bác mong rằng mỗi một cháu và toàn thể các cháu nam nữ thanh niên cố gắng làm tròn nhiệm vụ, để cho xứng đáng với cái huy hiệu tươi đẹp và vẻ vang ấy”9.
Chính vì đề cao vị trí, vai trò của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng đất nước nên Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định việc chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm có tầm quan trọng đối với Đảng. Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta trước lúc đi xa, Người viết: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”10. Theo Người, thanh niên đóng vai trò là lực lượng hùng hậu, đi đầu thực hiện các nhiệm vụ cách mạng của Đảng. Do đó, Đảng cần phải thường xuyên quan tâm, dẫn đường, chỉ lối để thanh niên có thể thực hiện sứ mệnh “xung phong” của mình. Đây chính là sự tổng kết, đúc rút vô cùng quý báu của Người từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh niên qua các thời kỳ cách mạng để tiếp tục định hướng việc giáo dục rèn luyện và phát huy mọi tiềm năng to lớn của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Khẳng định vai trò của thanh niên và tầm quan trọng của việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho đoàn viên, thanh niên, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) của Đảng đã chỉ rõ: “Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỉ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh niên”. Đại hội X của Đảng cũng xác định: “Đối với thế hệ trẻ, thường xuyên giáo dục chính trị, truyền thống, lý tưởng, đạo đức, lối sống; tạo môi trường thuận lợi để phát triển toàn diện”. Trong thực tiễn, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đoàn viên, thanh niên. Điều đó thể hiện ở sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của tuổi trẻ. Từ đó đã có những chủ trương, chính sách, kế hoạch cụ thể cho đoàn viên, thanh niên được rèn luyện, lao động, học tập, công tác, được phát huy năng lực, khả năng sáng tạo và sức trẻ của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thời gian qua Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã phát huy vai trò nòng cốt, cùng với các lực lượng giáo dục khác luôn kiên trì thực hiện nhiệm vụ giúp Đảng giáo dục và rèn luyện đoàn viên, thanh niên. Nhiều phong trào cách mạng của tuổi trẻ, tiêu biểu như phong trào: Thanh niên lập nghiệp, Tuổi trẻ giữ nước, Thanh niên tình nguyện, Thi đua, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,... diễn ra hết sức sôi nổi. Kết quả là đã góp phần tạo dựng nên một lớp thanh niên mới, trong đó có bộ phận thanh niên tiên tiến đi đầu trên nhiều lĩnh vực, có thái độ, nhận thức tốt và ý thức chính trị cao, có ý chí vượt qua khó khăn, vươn lên lập thân, lập nghiệp, phát huy mạnh mẽ truyền thống xung kích của lớp thanh niên đi trước. Cũng từ đó mà vai trò, vị trí của đoàn viên, thanh niên ngày càng được khẳng định trong đời sống xã hội.
Ngày 29/8/2016, tại Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ IV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Dù ở vị trí nào, làm công việc gì, tất cả đều có một mẫu số chung, tiêu chí chung: Đó là thực sự đóng vai trò tiên phong, gương mẫu. Tiên phong có nghĩa là đi trước, đi đầu; gương mẫu tức là làm mẫu, làm gương cho người khác noi theo. Tiên phong cả về tư tưởng, sự hiểu biết và về hành động thực tế; những nơi nào khó khăn nhất, gian khổ nhất, hy sinh nhiều nhất thì cần sự có mặt của thanh niên. Gương mẫu cả trong việc làm, trong đời sống thường ngày, từ phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong, cư xử đều phải gương mẫu... Ai làm được điều đó thì đều là vẻ vang./.
ThS. Hồ Thị Quỳnh Thoa
Phòng Tuyên truyền, Giáo dục
Theo Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch