Tuổi trẻ noi gương Bác
Bác Hồ từng nói: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Tuổi trẻ Hòa Vang – những thanh niên được sống, học tập, lao động trong thời bình – đã và đang ra sức học tập, phấn đấu, xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp, văn minh, xứng danh thế hệ thanh niên Hồ Chí Minh.
Để việc học tập và làm theo gương Bác đi vào chiều sâu, những năm qua Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp ở Hòa Vang đã tổ chức nhiều hoạt động đi vào chiều sâu, không chỉ tìm hiểu những thông tin liên quan đến Bác Hồ mà còn làm nhiều việc mang lại lợi ích cho xã hội, trong đó nổi bật là các mô hình của Đoàn thanh niên các xã Hòa Phước, Hòa Tiến.
Trong cải cách hành chính (CCHC), xã Hòa Phước thực hiện thí điểm mô hình “3 không” (“Không viết, không nộp, không hẹn”) và đã được UBND huyện công nhận và khen thưởng. Góp phần cho thành tích này có công sức của đoàn viên thanh niên (ĐVTN) Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã.
Nhằm hướng đến việc tuyên truyền sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, anh Nguyễn Ngọc Quang, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Hòa Phước cho hay, từ năm 2018, đơn vị đã phối hợp với UBND xã ra mắt Tổ tuyên truyền, hướng dẫn CCHC với 29 thành viên tham gia là ĐVTN 10/10 chi đoàn dân cư, cán bộ Tổ 1 cửa phụ trách công tác cải cách hành chính.
Tổ trực tiếp hướng dẫn cho công dân sử dụng các trang thiết bị tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả xã như: lấy số thứ tự, thành phần hồ sơ, đánh giá mức độ hài lòng đối với dịch vụ hành chính công và thái độ phục vụ của cán bộ tiếp nhận. Tổ hướng dẫn, trợ giúp công dân hoàn thiện các thủ tục biểu mẫu hồ sơ, đồng thời tuyên truyền CCHC đến người dân; rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho nhân dân với cách thức hợp lý nhằm tạo sự hài lòng của người dân.
Thực hiện tiêu chí Môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, năm 2016, Đoàn xã triển khai đến 10 chi đoàn dân cư mô hình “Thu gom ve chai” bằng hình thức phân loại rác tại gia đình, được ĐVTN các chi đoàn duy trì thường xuyên mỗi tháng 2 lần.
Anh Quang kể, các Nhà văn hóa thôn mỗi khi cho thuê mặt bằng để tổ chức đám cưới đều có ĐVTN đến, trước phụ với đội ngũ nhân viên phục vụ đám cưới, sau thu gom các loại lon (bia, nước ngọt) để tạo quỹ cho đơn vị.
Mỗi tháng một lần, khoảng 5-7 ĐVTN đến từng gia đình trong thôn thu gom các loại lon và bao bì cac-tông, dùng xe kéo ba gác được bố trí tại từng thôn mang tất cả về Nhà văn hóa thôn để phân loại và xuất bán. Tất cả tiền thu được đều dùng gây quỹ và tổ chức các hoạt động phong trào tại đơn vị. Đến nay mỗi chi đoàn đã gây quỹ được mỗi năm từ 5 đến 10 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, các chi đoàn mua quà giúp đỡ ĐVTN, các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn của thôn mình. Ngoài ra, đơn vị còn làm mô hình “Mái nhà xanh” gồm 2 ngăn để tập kết, phân loại chai, lon các loại và giấy các loại trước khi đưa đi “tiêu thụ”.
Giáo dục truyền thống
Khi nói về các hoạt động giáo dục truyền thống cho ĐVTN, anh Nguyễn Ngọc Quang nửa đùa nửa thật rằng, mô hình “Người con hiếu thảo” là “tác phẩm độc quyền” của Đoàn thanh niên xã Hòa Tiến. Bởi lẽ, không đâu trên địa bàn Đà Nẵng có số lượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng và Liệt sĩ nhiều như ở Hòa Tiến. Theo số liệu ông Trần Đình Nhơn – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã cung cấp, Hòa Tiến có 206 Bà mẹ VNAH (trong đó có 3 Mẹ còn sống), 947 liệt sĩ, 240 thương binh.
Anh Nguyễn Quang Tuyến, Bí thư Đoàn thanh niên xã Hòa Tiến, cho biết trong 4 năm qua, “Người con hiếu thảo” là mô hình thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ chính trị đã được Đoàn xã đăng ký với Đảng ủy xã và Huyện ủy Hòa Vang.
19 chi đoàn trực thuộc đảm nhận 19 địa chỉ là các Bà mẹ VNAH, vợ liệt sĩ, thương binh nặng trên địa bàn xã. Hằng tháng các chi đoàn tổ chức một hoặc nhiều lần, tùy thực tế tại cơ sở, cử ĐVTN đến các địa chỉ này làm những công việc thiết thực trong cuộc sống như dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, đường đi, tường rào, cổng ngõ, giặt giũ quần áo, lau dọn các bàn thờ liệt sĩ, nói chuyện tâm sự với các Mẹ Việt Nam anh hùng, vợ liệt sĩ, gia đình có công cách mạng… Hằng năm, mỗi chi đoàn triển khai thực hiện mô hình với kinh phí trên 22 triệu đồng.
Anh Tuyến nhận định, tất cả những việc làm đền ơn đáp nghĩa nói trên như một hình thức “giáo cụ trực quan” trong việc giáo dục truyền thống cho ĐVTN toàn xã, góp phần xây dựng thêm cho thế hệ trẻ về truyền thống của quê hương, dân tộc, cũng như quá trình hoạt động của thế hệ ông cha ngày trước lúc hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Các hoạt động tích cực của Đoàn xã góp phần định hướng cho thanh niên tìm hiểu về truyền thống vẻ vang của Đoàn, những đóng góp của tổ chức Đoàn trong tiến trình phát triển của đất nước... nhằm tạo sức hút đối với thanh niên. Chi Đoàn THCS Nguyễn Phú Hường (xã Hòa Tiến) là một trong những đơn vị phát triển đoàn viên hàng đầu của huyện. Mỗi năm, Đoàn trường kết nạp khoảng 80 đoàn viên, tạo nguồn lực cho địa phương, phần lớn là học sinh giỏi khối lớp 9. ■
VIÊN PHÚC QUÂN