Thông tin xấu, độc trên mạng xã hội và trách nhiệm công dân
Về nội dung và bản chất, có thể nhận diện: Thông tin xấu, độc tán phát trên internet và mạng xã hội “là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng, thay đen”, lẫn lộn đúng sai, thật giả hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu thù địch”.
Các trang mạng xã hội phổ biến trên toàn cầu hiện nay là Facebook, Twiter, Instagram... Theo thống kê, ở Việt Nam có khoảng hơn 65 triệu tài khoản mạng xã hội trên tổng số hơn 96 triệu dân, tức chiếm khoảng 2/3 dân số. Với nhiều nguồn thông tin khác nhau, bên cạnh những thông tin tích cực, đúng đắn vẫn có nhiều thông tin giả, bịa đặt, xuyên tạc sự thật, xuyên tạc lịch sử, thù địch, phản động, kích động bạo lực... được viết và đăng tải dưới nhiều hình thức để tiếp cận với hàng triệu người đọc, gây ra những luồng thông tin trái chiều làm nhiễu loạn xã hội.
Thông tin xấu, độc làm ảnh hưởng lớn tới nhận thức của người tiếp nhận; làm cho người tiếp nhận có cách nhìn nhận lệch chuẩn. Từ đó, những người tiếp nhận sẽ có những hành động gây bất lợi cho nhà nước ở các phương diện mà họ tiếp cận. Dần dần, những thông tin xấu, độc đó không chỉ bị tiêm nhiễm với người thiếu bản lĩnh mà như một chất xúc tác, thúc đẩy họ chống lại những giá trị cốt lõi được các thế hệ cách mạng đã hy sinh máu xương, trí lực để dựng xây nên.
Thực tế cho thấy, nhiều thông tin xấu, độc trong giai đoạn vừa qua đã góp phần tạo nên sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của không ít người do họ thiếu cái nhìn khách quan, trung thực, sáng suốt trên chặng đường đóng góp xây dựng xã hội tốt đẹp. Một số cá nhân (có những người trước đó là anh hùng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, là những nhà khoa học có tầm cỡ được chế độ đãi ngộ của Nhà nước), vì thiếu bản lĩnh, thiếu niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, vì lợi ích nhỏ nhen, đã sẵn sàng bán rẻ cả danh dự, nhân phẩm của bản thân, bán rẻ cả quá khứ vinh quang, tốt đẹp... để mưu lợi rẻ tiền và nuôi trong mình những ảo tưởng.
Trách nhiệm công dân khi tham gia mạng xã hội
Điều 5, khoản 1 (điểm a, b, c, d, e), Nghị định 72/CP của Chính phủ quy định những hành vi bị cấm trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và những thông tin trên mạng gồm: a) Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; b) Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; c) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định; d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; đ) Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm; e) Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Khi tham gia vào mạng xã hội, nếu người tiếp cận thông tin không tỉnh táo, sáng suốt thì có thể bị tiêm nhiễm, ảnh hưởng tiêu cực bởi những thông tin xấu, độc đó. Để tích cực phòng, chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, chúng ta cần tự trang bị cho mình vốn hiểu biết và những kỹ năng cần thiết:
Trước tiên, chúng ta cần có kỹ năng chọn lọc thông tin để nhận diện các thông tin xấu, độc. Mà để thực hiện được kỹ năng đó thì chúng ta cần tỉnh táo nhận diện được thông tin xấu, độc. Thông tin xấu, độc được nhận diện ở các yếu tố: Mục đích, ý nghĩa, nội dung...Về mục đích: Chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, thái độ, lối sống của người tiếp xúc với thông tin, gây hoang mang, dao động, hoài nghi vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Về nội dung: Thông tin xấu, độc thường lẫn lộn giữa thật và giả, thường là trà trộn một phần thông tin đúng với thông tin sai lầm, bịa đặt, xuyên tạc… Để xác định được xem thông tin mà mình tiếp cận là giả hay thật; đúng hay sai; tốt hay xấu thì chúng ta cần tiếp cận nhiều với các thông tin chính thống.
Để xác định chắc chắn đó là thông tin chính thống, nên tiếp nhận hay không thì cần nắm rõ chủ thể đăng tải. Nếu chủ thể đăng tải thông tin là các nick ảo, nick không chính danh và tổng thể nội dung trang có thái độ nhìn nhận không phù hợp với quan điểm chính thống thì cần loại bỏ... Sau khi nhận diện được thì chúng ta nên tránh các thông tin xấu, độc theo hướng đã được nhận diện; đồng thời chọn lọc những thông tin có lợi, những thông tin phù hợp với thuần phong mỹ tục... để tiếp cận. Thường thì những thông tin được tung ra nhằm khuấy động dư luận và tạo ra các luồng nhận thức khác nhau. Nhiều người vì tò mò nên tiếp cận thông tin đó mà không suy nghĩ xem nên tiếp nhận như thế nào cho đúng.
Mặt khác, chúng ta cần có kỹ năng công nghệ - thông tin nhất định để chặn các nick ảo, lọc, xóa, báo xấu... các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội để không cho các thông tin đó lan truyền dễ dàng. Cần cẩn thận cân nhắc xem nên comment (bình luận), like (thích), share (chia sẻ), dẫn link hay không nên một vấn đề nào đó, để tránh việc vô tình trở thành cầu nối giúp lan tỏa thông tin xấu, độc. Việc nắm các quy định của Luật An ninh mạng là một vấn đề bắt buộc giúp người sử dụng tránh những hành vi vi phạm có khi chỉ là vô tình nhưng gây ảnh hưởng tiêu cực cho bản thân và xã hội.
Đối với cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an, để ngăn chặn thông tin xấu, độc, cần phải có trách nhiệm lan tỏa những thông tin chính thống, chất lượng, chuẩn mực. Đó là cách để nhân rộng những điều tốt, cổ vũ những mặt tích cực, có ý nghĩa xây dựng xã hội. Mặt khác, tự thân mỗi cán bộ, chiến sĩ hãy xây dựng cho mình một cách tiếp cận thông tin nhạy bén, hiệu quả, đảm bảo uy tín, chất lượng; đồng thời tăng cường học tập, trau dồi kiến thức, nhận thức đủ trình độ, năng lực để phân biệt, loại bỏ những thông tin xấu, độc, có hại, biết truyền bá những cái hay, cái tốt, điều có ích cho xã hội và có động thái tích cực, không thờ ơ trong đấu tranh với thông tin xấu, độc. Có một trình độ chuyên môn, lý luận vững vàng, am hiểu thực tiễn chính trị - xã hội đất nước và thế giới sẽ giúp cán bộ, chiến sĩ Công an vững vàng, tự tin để phản biện, chống lại các thông tin xấu, độc, bảo vệ đất nước, bảo vệ chế độ.
Nâng cao năng lực để chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội sẽ góp phần phát huy những tác động tích cực, hạn chế, ngăn ngừa những tác động tiêu cực, góp phần ổn định chính trị - xã hội của đất nước và nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi chúng ta.